Bơi lội Việt Nam hướng tới mục tiêu xa

Thứ Hai, 23/08/2021, 08:33

Tại Thế vận hội mùa hè (Olympic Tokyo) 2020 vừa qua, bơi Việt Nam có hai tuyển thủ góp mặt là Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Thị Ánh Viên, nhưng cả hai đều không gây được bất ngờ tại đấu trường này. Từ kỳ Olympic này, bơi lội Việt Nam đã có những bài học quý giá để rút kinh nghiệm, hướng tới những mục tiêu tiếp theo.

Tài năng không thiếu

Tại Olympic Tokyo 2020, ở cả hai nội dung 800m tự do và 1.500m tự do, không một tay bơi nào của châu Á sánh kịp thành tích của Nguyễn Huy Hoàng. Tuy nhiên điều đó cũng chưa đủ để kình ngư của Việt Nam giành được vé vào chung kết. Sân chơi Olympic lần này thực sự là sân chơi quá khốc liệt với những kình ngư châu Á ở 2 nội dung trên. 

Bà Vũ Thị Sen - huy chương vàng Đại hội thể thao các quốc gia mới nổi châu Á (GANEFO) 1966, chuyên gia bơi lội bày tỏ, ở môn bơi, ngay Trung Quốc còn vất vả cạnh tranh thì rõ ràng các kình ngư Việt Nam còn phải đối đầu với những khó khăn lớn nhường nào. Tất nhiên ngành Thể thao vẫn rất quan tâm đầu tư cho môn bơi, nhưng rõ ràng, để đạt được bước tiến lớn ở Olympic như vào chung kết nội dung nào đó cũng cần rất nhiều thời gian để tạo nên nền tảng tốt và phát triển bền vững”.

Chuyên gia bơi lội của Việt Nam nói thêm: “Tại Olympic Tokyo 2020, Ánh Viên chưa thể lấy lại phong độ tốt nhất, còn Huy Hoàng thì cũng không đạt được được thành tích cá nhân tốt nhất mà cậu ấy từng đạt được. Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh, việc tập luyện thi đấu gặp nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, việc được có mặt tại Olympic cũng là một vinh dự lớn rồi dù chúng tôi luôn hy vọng VĐV phá được kỷ lục cá nhân. Dù vậy, sau Olympic này, đã cho thấy kình ngư Huy Hoàng có thể trạng hợp với những cự ly dài và còn có thể đạt được những nấc mới trong sự nghiệp thi đấu quốc tế.

Bơi lội Việt Nam hướng tới mục tiêu xa -0

 VĐV Nguyễn Huy Hoàng thi đấu tại Olympic Tokyo 2020.

Đầu tư bài bản để phát triển đường dài

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang nói tiếp: “Thể thao Việt Nam có lẽ nên làm lại từ khâu tuyển chọn VĐV, phải có hệ thống sàng lọc bằng các phương pháp khoa học, từ đó mới lựa ra được VĐV phù hợp với từng môn thể thao và có chiến lược đầu tư xứng đáng. Nếu sàng lọc đúng, thể thao Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều tỉ đồng, không bị dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, không đúng trọng điểm, không đem lại hiệu quả, lãng phí tiền bạc.

Hệ thống sàng lọc cần đội ngũ quản trị giỏi chuyên môn, giỏi áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào lĩnh vực thể thao, biết phát hiện nhân tài thể thao thông qua các chỉ số về cấu trúc cơ thể. Thể thao Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước rất giỏi trong công tác sàng lọc VĐV mà Việt Nam nên học tập. Từ đó những môn thể thao Olympic như môn bơi sẽ có thêm nhiều nhân tài để đầu tư cho các sân chơi quốc tế như SEA Games, ASIAD và Olympic”.

Ông Hoàng Vĩnh Giang cũng cho hay: “Thể thao Việt Nam tìm được một nhân tài có tố chất bẩm sinh, có thể trạng vô cùng phù hợp với môn bơi như Ánh Viên là cực khó. Cho nên, bài toán ở đây là tạo điều kiện cho những VĐV tài năng phát triển tối đa năng lực và chỉ những nhà hoạch định chiến lược của thể thao Việt Nam mới có thể giải được”.

Một quan chức ngành Thể thao chia sẻ, trước mắt, ngành xin cơ chế hỗ trợ, xây dựng phát triển hệ thống đào tạo VĐV tuyến năng khiếu địa phương, ngành các môn, nội dung trọng điểm làm cơ sở nền tảng cho việc bổ sung lực lượng cho đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia. Kết hợp giữa ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để đào tạo khoảng 980 VĐV trẻ của 18 môn gồm điền kinh, bơi, thể dục, bắn súng, cử tạ, taekwondo, kiếm, vật, karate, đua thuyền rowing, bóng bàn, quyền anh, cầu lông, judo, bắn cung, xe đạp...

Kinh phí thực hiện hơn 600 tỉ đồng, bao gồm Nhà nước chi 400 tỉ đồng, số còn lại kinh phí địa phương (200 tỉ đồng) và huy động nguồn khác. Như thế môn bơi cũng sẽ được hưởng lợi từ việc này.

PV
.
.
.