Âm thầm chắp cánh cho tài năng trẻ

Thứ Năm, 18/11/2021, 08:25

Từ ngày này sang ngày khác, nhiều HLV gắn mình với công tác đào tạo trẻ, nhiều lúc kiêm luôn vai trò bảo mẫu và âm thầm chắp cánh cho các tài năng trẻ. Ít người để ý đến họ và họ cũng quen với chuyện này. Với họ, chỉ sự thành công sau này của đám trẻ mà họ đồng hành mới là đáng kể. Đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, chỉ cần nhận lời chúc từ những học trò hiện tại và học trò cũ là đủ hạnh phúc.

Miệt mài với đào tạo trẻ

Ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập trung tập huấn tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), năm nay cũng là năm thứ 5, HLV Tô Minh và cũng là cựu tay vợt nổi tiếng, gắn bó với đội. Các đây 5 năm, đang có công việc ổn định ở TP Hồ Chí Minh thì ông nhận được lời mời tham gia Ban huấn luyện từ HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà.

“Thấy lời đề nghị của Bùi Xuân Hà thực sự chân tình và có mục tiêu rõ ràng là vì sự phát triển chung của bóng bàn trẻ Việt Nam nên tôi mới gác công việc cá nhân ở TP Hồ Chí Minh để tham gia Ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. Đến lúc này, tôi hài lòng với công việc hiện tại” – HLV Tô Minh kể.

Đi theo đội từ khi đội tập trung ở Trường ĐH TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) hay là ở Hà Nội như hiện nay, thầy Tô Minh vẫn luôn được xem như tấm gương về sự tận tụy với đào tạo trẻ, khi nghiêm túc trong khi huấn luyện, chẳng khác “bảo mẫu” trong việc hỗ trợ học trò học văn hóa, rồi đốc thúc các ngủ đúng giờ để tạo thành thói quen...

Cách nơi tập trung của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia có một con đường Tân Mỹ ở quận Nam Từ Liêm là nơi đội bóng bàn trẻ Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) đóng đại bản doanh. Đội có hàng chục VĐV trẻ từ 7-8 tuổi cho đến 15 tuổi. Phụ trách bộ môn bóng bàn của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Lê Huy kể rằng, Hà Nội thường chọn đào tạo VĐV từ 7-8 tuổi và  đương nhiên là các HLV phải thêm việc.

Ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, mới chỉ có các đội thể dục hay nhảy cầu còn có bảo mẫu, do đặc thù là tuyển VĐV từ khi còn ở lứa tuổi mẫu giáo. Còn ở các môn khác, dù tuyển sinh ở lứa tuổi lớn hơn một chút, như ở môn bóng bàn, thì các HLV vẫn phải kiêm thêm cả việc trông nom ngoài giờ, từ đốc thúc học văn hóa, sinh hoạt đúng giờ, uốn nắn trong hành vi, cư xử, xử lý tình hình khi VĐV ốm đau… Cũng vì vậy, mới có việc một tuần ít nhất 2 đêm, HLV của tuyến trẻ phải nghỉ lại ở Trung tâm để trực, kịp thời nắm bắt, xử lý tình huống, bảo đảm đến mức tối đa về việc sinh hoạt “chuẩn chỉ” của VĐV. Như nhiều người vẫn nói vui là một vai, nhiều gánh và vẫn chỉ là một lương.

Theo phụ trách bộ môn bóng bàn (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Lê Huy, hiện đang có ít nhất 6 HLV của tuyến trẻ nam và nữ thường phải chia ca để trực đêm tại khu nhà ở của VĐV. “Nếu không có trách nhiệm và yêu nghề thì họ khó có thể đeo đuổi công việc này đến tận bây giờ” – ông Lê Huy nói.

Đi về phía Gia Lâm là cơ sở đào tạo của bộ môn bóng đá thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đặt tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm hay còn được gọi là lò “Hoàng Anh Gia Lâm”. Lò đào tạo ấy chỉ được biết đến nhiều hơn khi lứa Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Thành Chung, Đức Huy tỏa sáng tại vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á năm 2018. Và sau đó, nhiều người biết nhiều hơn về lò đào tạo ấy khi nơi đây đã nâng bước cho những gương mặt khác có tiếng của bóng đá Việt Nam như Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Huy Hùng… và sau này là lứa Phạm Tuấn Hải, Lý Công Hoàng Anh (mới có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia)…

Từ hơn chục năm nay, kể từ khi lò đào tạo này được ngành Thể thao Hà Nội tập trung đầu tư để tạo nguồn cho bóng đá đỉnh cao Hà Nội, nhiều người thầy đã gắn mình với nơi đây, trong đó có những người đã gắn bó cả chục năm nay, như Nguyễn Trọng Hồng (nay là Phó Trưởng bộ môn bóng đá, phụ trách cơ sở tập luyện tại Gia Lâm), Phan Tú Anh hay Hoàng Anh Tuấn… Ở đây, nếu kể đến những câu chuyện về việc các thầy đã dành những gì tốt nhất cho học trò thì cũng không hết. Như có giai đoạn, cơ sở vật chất thiếu thốn, vào những ngày nóng hầm hập, oi ả, các thầy ra ra hành lang để nói chuyện phiếm, nhường phòng có cho học trò ngủ trưa để có sức tập luyện vào buổi chiều.

Đến nay, các phòng của cầu thủ thuộc lò “Hoàng Anh Gia Lâm” đã được lắp điều hòa nhờ sự chung tay từ phụ huynh, các “Mạnh Thường Quân” và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Thế nhưng, sự vất vả của các thầy ở đây vẫn chưa vơi. Một tuyến có 3 thầy và mỗi thầy phải trực một tuần ít nhất 2 đêm để chăm và giám sát học trò. Trong khi đó, đa số các thầy vẫn đi từ nội thành sang Gia Lâm làm việc bằng xe máy, người xa nhất ở Hoài Đức như HLV Nguyễn Hữu Hưng của lứa U11 cũng mất gần 40km cho mỗi lần đến làm việc.

Không kể, thu nhập từ công việc huấn luyện của họ cũng rất khiêm tốn so với nhiều trung tâm khác khi hiện tại cũng chỉ dao động quanh mức 10 triệu đồng/ tháng (tính cả tiền ăn, tiền công). Vài năm trước, đội còn có một người chuyên lo chuyện ăn, ngủ, học. Nhưng rồi khi người này nghỉ việc thì các thầy phải kiêm luôn. Vất vả là vậy, nhưng họ vẫn cặm cụi huấn luyện từng lứa trẻ để cống hiến cho bóng đá Thủ đô.

Và thực sự, không khó tìm những người thầy tận tụy với lớp trẻ ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội.

3.jpg -0
HLV Dương Văn Nam trao đổi với các VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia trước một buổi tập. Ảnh: Hà Xuân.

Đào tạo không chỉ là huấn luyện

Kể về việc đào tạo trẻ hiện nay, HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà kể rằng: “Có lẽ, không phải tôi mà các HLV làm công tác đào tạo trẻ đều nhận thức rõ rằng, khi các gia đình đã tin tưởng giao con em mình cho ngành Thể thao từ khi các em còn bé xíu thì mình cũng phải có trách nhiệm, luôn tâm niệm đảm nhận vai trò bố, mẹ của các cháu”. Ngay ở đội bóng bàn trẻ quốc gia, trong 13 tay vợt, hầu hết đều ở các tỉnh, thành ngoài Hà Nội. Ngoài việc chăm lo chuyện ăn, ngủ, học, nghỉ ngơi và tập luyện cho các VĐV, các HLV còn phải cố gắng tạo môi trường mang tính gia đình để VĐV vơi nỗi nhớ nhà.

Cũng vì thế, ở đội, những dịp cuối tuần, hay Tết thiếu nhi, rằm Trung thu luôn có các hoạt động sinh hoạt tập thể để tăng tính gắn kết, khiến VĐV cảm thấy như ở nhà. Như có lần, VĐV Huỳnh Tiểu Bình của đội đã chia sẻ: “ Chúng con cảm thấy nơi tập luyện như ở nhà vì các thầy gần gũi nhưng cũng nghiêm khắc”.

Ngay trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại Hà Nội, các cơ sở tập luyện đều phải “cấm trại”, nhiều thầy cũng phải xa vợ con để ở lại đội nhằm động viên, chia sẻ với học trò. Các HLV ở đội bóng bàn trẻ quốc gia như Bùi Xuân Hà, Dương Văn Nam đã ở trọn tại địa điểm tập huấn trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Câu chuyện của những người làm đào tạo trẻ khi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 cận kề có kể mãi cũng không hết. Nhưng ít ra, việc hiểu rõ hơn về công việc thầm lặng của những người thầy, kiêm luôn vai trò của phụ huynh để giúp VĐV có thể phát triển đến mức tốt nhất đồng thời thành công dân tốt cũng không bao giờ thừa.

Năm nay khó về

Phó Trưởng bộ môn bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Nguyễn Trọng Hồng kể rằng dịp 20-11 năm ngoái, lứa cầu thủ Duy Mạnh, Quang Hải… đã về lò “Hoàng Anh Gia Lâm” để chúc mừng các thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. “Năm nay dịch COVID-19 phức tạp thế này nên chắc các con khó về. Dù sao chỉ cần nhận được lời chúc mừng qua tin nhắn và thấy các con vững vàng trên sân cỏ trong nước, quốc tế là chúng tôi ấm lòng rồi” – ông Nguyễn Trọng Hồng nói.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.