V.League có giá bao nhiêu?

Thứ Ba, 06/03/2018, 15:43
Trong ngày V.League 2018 chính thức có nhà tài trợ mới gắn với tên Nuti Café, câu chuyện bản quyền truyền hình của giải đấu này bỗng nhiên “nóng” trở lại khi xảy ra sự tranh chấp giữa Công ty CP BĐCN Việt Nam (VPF) và đơn vị Next Media.


Chuyện bản quyền truyền hình V.League không phải bây giờ mới “có giá trị” và trở thành “món hàng” thương mại khiến các bên cạnh tranh. Thực tế thì ở những giai đoạn đầu tiên của giải đấu này, V.League cũng đã bán được bản quyền và thu tiền mặt. 

Đến năm 2012, thậm chí thương quyền V.League còn được VFF bán trọn gói cho AVG với giá 6 tỷ đồng/mùa, có lũy tiến, kéo dài đến 20 năm. 

Chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (lúc đó là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính) cũng thừa nhận rằng đấy là cái giá chấp nhận được. Điều này giúp cho V.League có nguồn thu, lại vừa nâng tầm chuyên nghiệp của giải đấu mà bản quyền truyền hình vẫn còn tư tưởng xin-cho. Thế nhưng, thương vụ đó chưa kịp đi vào thực hiện thì phải dừng lại với sự ra đời của VPF. Theo quan điểm của bầu Kiên (khi đó giữ chức Phó Chủ tịch VPF) thì cái giá 6 tỷ đồng kéo dài trong 20 năm là bất ổn. Bởi trên thế giới chưa từng có bản hợp đồng nào kéo dài đến thế, trong khi nhiệm kỳ của lãnh đạo VFF chỉ kéo dài trong 4 năm. 

Và với tầm ảnh hưởng của mình, bầu Kiên đã quyết “đấu” đến cùng với VPF để giành lại bản quyền truyền hình cho VPF. Thanh tra Bộ VHTTDL đã vào cuộc và “xử” AVG thắng, VPF thua. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, sau đó, AVG đã chủ động nhường lại bản quyền truyền hình V.League cho VPF vô điều kiện.

V.League 2018 sẽ gắn với thương hiệu Nuti Café. Ảnh: VPF.

Có được bản quyền truyền hình, lãnh đạo VPF muốn rằng một năm họ sẽ mang lại cho V.League 50 tỷ chứ không phải là 6 tỷ. Đấy là khoản tiền được lấy từ một “Hội đồng” quy tụ khoảng 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Theo đó, Hội đồng sẽ bơm tiền cho VPF,  ngược lại VPF thông qua các Đài truyền hình sẽ quảng cáo thương hiệu cho các doanh nghiệp. Đây là một hình thức VPF “đổi sóng lấy quảng cáo”. Thế nhưng, sau khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý thì ý tưởng thành lập Hội đồng cũng đổ bể.

Trong suốt những mùa giải sau đó, VPF không thu được một đồng nào tiền mặt từ việc bán bản quyền truyền hình V.League cho các nhà đài mà chỉ tiến hành phương thức “trao đổi” để nhận lại 15 phút quảng cáo mỗi trận đấu. Đấy là hình thức mà VPF dùng để quảng bá cho các nhà tài trợ. Cho đến khi nhậm chức Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF khoá III vào cuối năm 2017, ông Trần Anh Tú cũng khẳng định lại rằng VPF chưa thu được 1 đồng nào từ bán bản quyền truyền hình.

Với thành tích lọt vào tứ kết giải U23 Châu Á 2018, ĐT U23 Malaysia đã giúp Liên đoàn bóng đá nước này ký kết được hợp đồng bản quyền truyền hình giải VĐQG với giá trị lên đến 25 triệu USD. Dù không có được thành tích ấn tượng như U23 Việt Nam nhưng thầy trò HLV Ong Kim Swee đã mang đến giá trị thương mại thiết thực.

Và khi đọc được những thông tin từ báo chí nước ngoài, ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF đã nói rằng rất tủi thân khi nghĩ về V.League. Bởi bản thân ông cũng đã đi chào mời các Đài truyền hình nhưng bị từ chối. 

Lý do được đưa ra là: “Các đài họ nói giải đấu như thế thì làm sao đòi được bản quyền truyền hình. Vì vậy, tôi và những người làm giải cần thay đổi tư duy. Tất cả phải cùng giúp cho giải tốt lên, có giá trị, bán được tiền. Trước tiên, hình ảnh bóng đá Việt Nam được tốt lên, sau đó là vấn đề vật chất chúng ta có tiền”.

Trong ngày V.League 2018 công bố nhà tài trợ mới là NutiFood, lãnh đạo VPF cũng tiết lộ việc chuyện hủy hợp đồng với Next Media về vấn đề bản quyền truyền hình và sẵn sàng hầu tòa án nếu có kiện cáo. Câu chuyện này về bản chất khác hẳn với vụ “tranh chấp” diễn ra cách đây 6 năm giữa VPF và AVG. Thế nhưng, những bất cập về việc khai thác thương quyền thì vẫn tồn tại.

Đến đây, người ta không chỉ  nhận ra việc bản quyền truyền hình V.League đang trở nên có giá sau “cơn sốt” U23 mà đó còn lộ ra độ vênh trong quan điểm làm việc của lãnh đạo VPF nhiệm kỳ trước và sau. Vậy rốt cuộc bây giờ V.League có giá bao nhiêu? Có lẽ đây là câu hỏi mà khán giả sẽ là “người phán xử” trong mùa giải tới.

Hy vọng, vấn đề này sẽ sớm có tiếng nói chung để các nhà đài hoàn thiện lịch phát sóng trực tiếp. VPF cũng cần hoạch định lại tầm nhìn chiến lược về vấn đề bản quyền truyền hình để hoạt động chuyên nghiệp hơn và khiến V.League có giá hơn.  Đừng để tồn tại những tư duy “chộp giật” theo bất kỳ một cơn sốt hay hiệu ứng nào.

VPF ra mắt nhà tài trợ mới cho V.League 2018

Sáng ngày 6.3, VPF chính thức kí hợp đồng với nhà tài trợ mới là NutiFood. Theo đó, giải VĐQG 2018 sẽ mang tên là Nuti Cafe V.League 2018.

Sau mùa giải 2017, Toyota đã khép lại gói tài trợ 3 năm cho V.League. Quá trình đàm phán với nhà tài trợ này đã không đi đến những thỏa thuận thỏa đáng nên phía VPF đã chủ động chấm dứt hợp đồng.

Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF cho biết: “Sau mùa giải 2017, VFP vẫn tiếp tục thông qua Công ty Dentsu - một công ty đối tác của VFF - đàm phán với Toyota. Phía đại diện Toyota ở Việt Nam thì muốn tiếp tục hợp tác với V.League nhưng công ty “mẹ” của Toyota ở Singapore lại không muốn tiếp tục hợp tác mà gây khó dễ.

Cụ thể họ muốn giảm gói tài trợ xuống thấp hơn. Chính vì điều này khiến tôi đã chủ động từ chối với đối tác Toyota, dù biết việc tìm kiếm tài trợ là khá khó khăn. Không thể vì khó khăn mà để bị "làm giá” khiến giá trị V.League sẽ thấp đi”.

Được biết, gói tài trợ của NutiFood dành cho VPF có thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, vì VPF chỉ được VFF giao quyền 1 năm nên theo ông Trần Anh Tú, VPF đã kí hợp đồng giao quyền với NutiFood. Nghĩa là VPF và nhà tài trợ này sẽ hợp tác với nhau trong 1 năm và sẽ ưu tiên hợp tác 2 năm tiếp theo.

Đ.T

Hưng Hà
.
.
.