Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam

Thứ Bảy, 02/02/2019, 13:04
Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại giành nhiều thành tích mang tính lịch sử như trong năm 2018. Đầu năm, chúng ta giành ngôi vị Á quân tại giải U23 châu Á. Giữa năm, đội tuyển (ĐT) Olympic đạt kỳ tích lần đầu tiên lọt vào đến trận bán kết ASIAD. Và trong những ngày tháng 12 giá rét cuối cùng của năm 2018, ĐT quốc gia giành cúp vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á AFF. Chúng ta đang sở hữu một thế hệ vàng thực sự của bóng đá Việt Nam.

Dù hiện tại không còn theo nghiệp cầm quân, nhưng HLV lão làng Lê Thụy Hải, nguyên HLV trưởng CLB Thể Công (sau này ông còn làm HLV trưởng của nhiều CLB nổi tiếng khác) vẫn theo dõi rất sát sao các chuyển động của bóng đá Việt Nam. Ông chia sẻ với chúng tôi rằng, chúng ta đang sở hữu một thế hệ cầu thủ vàng đúng nghĩa: Thế hệ vàng về tài năng đồng thời là thế hệ đã giành được cup vàng thật (vô địch AFF Cup – PV).

Theo lý giải của HLV Lê Thụy Hải, sở dĩ chúng ta có được thế hệ vàng này là do ở Việt Nam, trong gần 10 năm trở lại đây, công tác đào tạo  ở các câu lạc bộ, các Trung tâm đã tiến đến chuyên nghiệp. Thế hệ của những Công Phượng, Quang Hải đã được đào tạo theo mô hình hiện đại của các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Vì vậy, thể lực, thể chất và tư duy chơi bóng của các em cũng có những bước phát triển vượt bậc so với các thế hệ đàn anh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao cúp vô địch AFF Cup 2018 cho ĐT Việt Nam.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF thì khẳng định, bóng đá Việt Nam đã dần chuyển mình từ bán chuyên nghiệp sang chuyên nghiệp. Người mở đường cho công tác đào tạo trẻ chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam chính là ông bầu Đoàn Nguyên Đức với việc mở học viện bóng đá đầu tiên với tên gọi Hoàng Anh Gia Lai JMG. Tiếp sau ông Đức, một loạt các lò đào tạo của nhiều CLB và trung tâm bóng đá khác cũng đầu tư rất mạnh trong công tác đào tạo trẻ. Chúng ta có thể kể đến các cái tên như: CLB Hà Nội, CLB Viettel hay Quỹ phát triển tài năng bóng đá trẻ Việt Nam PVF…

Trong buổi tối mà ĐT Việt Nam nâng cao chiếc cup vô địch AFF Cup 2018 danh giá, ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của CLB Hoàng Anh Gia Lai, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF đã cùng một số ông bầu, người tâm huyết với bóng đá Việt Nam âm thầm ngồi dõi theo ĐT thi đấu qua tivi ở thành phố Đà Nẵng. Khi các tuyển thủ Việt Nam tung hô HLV Park Hang-seo trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình, thì đó cũng là lúc mà những người bạn thân tình đã tung bầu Đức lên để tôn vinh những đóng góp âm thầm của ông cho bóng đá Việt Nam.

Sau nhiều năm miệt mài với bao khó khăn, vất vả, cuối cùng, những lò đào tạo như Hoàng Anh Gia Lai JMG, Viettel, PVF, CLB Hà Nội… đã cho ra đời nhiều cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam hiện nay như: Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng… Lớp cầu thủ này đã khẳng định sức mạnh bóng đá Việt Nam tiệm cận trình độ khu vực.

Bạn đọc hẳn chưa quên, trước đó, tháng 5-2017, HLV Hoàng Anh Tuấn cùng các học trò Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh… đã gây chấn động làng bóng đá trong nước, khu vực khi lần đầu tiên đưa ĐT U19 Việt Nam giành quyền tham dự Vòng chung kết U20 thế giới (World Cup U20) được tổ chức tại Hàn Quốc. Họ đã hiện thực khát khao cháy bỏng nhưng rất đỗi xa vời của đất nước chúng ta nhiều thập kỷ là được góp mặt vào ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh dành cho lứa cầu thủ U20.

HLV Park Hang-seo được toàn thể các học trò vinh danh ngay sau khi ĐT Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup 2018.

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế chia sẻ, thành công của bóng đá Việt Nam ngày hôm nay là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là chúng ta có được một thế hệ cầu thủ tốt và một HLV giỏi như ông Park. Tuy nhiên, ông Huế vẫn cho rằng, yếu tố quyết định đến thành công chính là tố chất của các cầu thủ. Ông Huế viện dẫn, ví như thể lực của các em có thể tốt được như hiện nay, đó là cả một quá trình chăm sóc, rèn luyện từ nhỏ chứ hoàn toàn không thể có được trong một thời gian ngắn. Vì vậy, sau gần 10 năm rèn luyện, giờ các em đang ở độ chín và buộc phải có những bước nhảy vọt, tất nhiên là với điều kiện có được một HLV giỏi như ông Park Hang-seo.

Đồng tình với quan điểm này, ông Mai Liêm Trực chia sẻ, ông rất vui mừng với thế hệ cầu thủ này của ĐT Việt Nam. Các em không chỉ giỏi chuyên môn, mà tác phong, đạo đức của các em cũng rất đáng được tôn trọng. 

Nói về câu chuyện tương lai,  HLV Lê Thụy Hải cũng không giấu giếm đôi chút băn khoăn. Ông cho rằng, thế hệ cầu thủ hiện tại của bóng đá Việt Nam đang đạt độ chín. Và cái độ chín ấy có thể duy trì trong 3 -5 năm nữa. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này, hiện chúng ta vẫn chưa rõ ràng về thế hệ kế cận. Nếu như không có được sự nối tiếp hợp lý, bóng đá Việt Nam rất dễ bị chững lại, thậm chí thụt lùi. Vì vậy, công tác đào tạo trẻ cần tiếp tục được quan tâm đầu tư để phục vụ cho chiến lược phát triển bóng đá dài lâu, bài bản.

Một nền bóng đá phát triển như nước Anh, nước Đức, Italia hay nhiều quốc gia khác, tuy có những thời điểm đạt được hưng thịnh ở tầm thế giới, nhưng họ vẫn có những lúc bị thoái trào và lâm vào khủng hoảng. Phần lớn nguyên nhân đến từ những gián đoạn, thiếu hụt về chất lượng chuyên môn ở thế hệ kế cận. Và không nằm ngoài qui luật ấy, thiết nghĩ, nếu muốn tiếp tục phát triển và gặt hái thành công, đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ cả nước, bóng đá Việt Nam không chỉ mãi trông chờ vào những nỗ lực của các CLB, các lò đào tạo bóng đá, mà chúng ta cần một chiến lược bài bản, cần sự đầu tư đúng mức mang tầm quốc gia từ những cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm đối với môn thể thao vua này.

Vũ Cảnh
.
.
.