EURO và phiên chợ của người Bồ

Thứ Bảy, 18/06/2016, 07:08
EURO 2016 mới đi được 1/4 chặng đường, nhưng thị trường chuyển nhượng đã đón chào bản hợp đồng bom tấn đầu tiên: Raphael, hậu vệ trái của Bồ Đào Nha (BĐN) chuyển tới Dortmund với bản hợp đồng trị giá 12 triệu euro.

Một lần nữa, người ta phải nhắc tới Bồ Đào Nha, cường quốc xuất khẩu cầu thủ. Quốc gia Nam Âu không tập trung về lượng, nhưng bất kể thương vụ mua bán nào được thực hiện tại đây, giá trị hợp đồng đều lên tới vài chục triệu euro.

Trong danh sách những CLB “siêu xuất” ở châu Âu 5 năm trở lại đây, BĐN thống trị với 3 đại diện là Porto, Benfica và Sporting Lisbon – cũng là ba đội bóng mạnh nhất bán đảo Liberia.

Giá trị tiền hàng của hơn 30 vụ giao dịch đáng chú ý là 700 triệu euro, với mức lãi ròng tương ứng là… 642 triệu euro. Nghĩa là, những CLB này quả thực chẳng hề mang chút hình ảnh chuyên môn nào. Nói đúng hơn, họ là những tập đoàn kinh doanh đa quốc gia.

Vài năm qua, giới chuyên môn đã nói nhiều về mô hình bán hàng của bóng đá BĐN. Trung bình mỗi năm, các CLB ở giải VĐQG BĐN lại đút túi gần 150 triệu euro lợi nhuận, trong khi lượng vốn ban đầu chỉ là… 20 triệu euro, bao gồm tiền lương, sinh hoạt phí cho các cầu thủ.

Trong bối cảnh các nền bóng đá tiểu tốt ngày càng lép vé trước sự lớn mạnh của Premier League, La Liga hay Bundesliga thì sự nổi lên của Super Lig giúp cán cân quyền lực châu Âu cân bằng hơn.

Nhưng tuyệt nhiên, sự cân bằng ấy chỉ xuất hiện trên bàn cờ kinh tế. Nó giúp những đội bóng hạng hai duy trì được nguồn tài chính để tồn tại, song lại gián tiếp nhấn chìm những nỗ lực ngóc lên trên bình diện chuyên môn.

Tính “xuất khẩu” của bóng đá BĐN nguy hiểm ở chỗ, dù vô tình hay cố ý, những tài năng lớn nhất của họ đều ra đi khi tham dự các giải đấu cấp đội tuyển. Hơn 70 triệu euro chảy vào tài khóa của nhóm CLB BĐN khi bên mua thực hiện giao dịch tại các giải U20, U19 và U17.

Trong khi đó, ở những kỳ EURO, thống kê này là 90 triệu euro, ở World Cup là 70 triệu euro. Nghịch cảnh này khá giống câu chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ngoài mặt, giới quần đùi hôn lên quốc kỳ in trên ngực áo, tuyên bố mạnh miệng về tình yêu tổ quốc. Bên trong, họ âm thầm câu kết với người đại diện, móc nối cùng CLB chủ quản để đẩy nhanh tiến độ.

Rất nhiều cầu thủ BĐN chọn giao dịch trong khoảng thời gian diễn ra những giải đấu lớn, vì tài năng bóng đá BĐN đã trở thành thương hiệu trong con mắt giới tuyển trạch, và còn bởi tâm lý “hốt nhanh, kẻo tăng giá” từ bên mua.

Vừa làm cầu thủ, vừa sắm vai trọng tài, việc tưởng chừng không thể thực hiện, hóa ra là công việc đơn giản nhất mà mỗi cầu thủ BĐN từng trải qua.

Nếu năm nay, bóng đá nước này tiếp tục lụn bại ở EURO 2016, âu cũng là điều dễ hiểu. Bởi ngay từ đầu, các cầu thủ - những người trực tiếp tạo ra đội bóng đâu toàn tâm toàn ý vào chuyên môn.

EURO hay World Cup, xét cho cùng, cũng chỉ là phiên giới thiệu sản phẩm không hơn không kém của bóng đá BĐN.

Khải Huyền
.
.
.