Vì sao hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Hàn Quốc khiến nhiều nước lo lắng?

Thứ Bảy, 11/03/2017, 10:18
Hôm 7-3, hai bệ phóng tên lửa trong hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được quân đội Mỹ chuyển tới căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc. Động thái này đang tạo nên một “cơn bão” mới ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là khi cả CHDCND Triều Tiên lẫn Trung Quốc và Nga đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa độc đáo

Theo tin từ hãng Yonhap, 2 bệ phóng nói trên là những bộ phận đầu tiên trong hệ thống THAAD tới Hàn Quốc trước khi triển khai radar cùng thiết bị điều khiển và hỗ trợ. Những thiết bị này đều được chở bằng máy bay vận tải C-17 tới Hàn Quốc và được đặt tại căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul khoảng 70km về phía Nam.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, chính quyền Washington đang muốn thúc đẩy nhanh việc lắp đặt hệ thống tên lửa này. Nhiều khả năng, các bộ phận then chốt khác trong hệ thống radar của THAAD sẽ được vận chuyển hết trong tháng 3 để có thể tiến hành thử nghiệm hoạt động và lắp đặt vào tháng 4. Một số nguồn tin khác nhấn mạnh rằng, căn cứ không quân Osan có thể chỉ là nơi trung chuyển và thử nghiệm, bởi lẽ việc chọn địa điểm lắp đặt lâu dài THAAD đã được chính quyền Seoul và Washington thống nhất là tại một sân golf của Tập đoàn Lotte.

Trước đó, quân đội Hàn Quốc đã cho người đi khảo sát 3 địa điểm khác nhau ở thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul gần 300km về phía Đông Nam, gồm: núi Yeomsok ở Guemsoo-myeon, núi Kkachi ở Sooryoon-myeon và sân golf thuộc thẩm quyền khai thác của Tập đoàn Lotte ở Chojeo-myeon.

Trong 3 địa điểm này thì sân golf Lotte Skyhill Country Club được đánh giá là tối ưu hơn cả vì cách phía Bắc trung tâm Seoungju khoảng 18km, nằm cách mực nước biển 680m, cao hơn các địa điểm dự kiến ban đầu khoảng 30m và đặc biệt là nó nằm rất xa khu dân cư. Toàn bộ khu sân golf này được định giá hơn 90 triệu USD.

Mỹ đang gấp rút triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Ảnh: Missile Defense Agency.

Hệ thống THAAD là một hệ thống tên lửa đạn đạo độc đáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình và trung gia trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Tên lửa này không mang đầu đạn hạt nhân nhưng dựa vào động năng của động lực để tiêu diệt tên lửa. Mỗi khẩu đội THAAD gồm 6 xe mang phóng với 8 đạn tên lửa/xe, 2 radar tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu AN/TPY-2, 2 trung tâm chiến thuật di động.

Được Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, THAAD được “trình làng” lần đầu tiên trong một cuộc triển khai hoạt động của quân đội Mỹ năm 2008. Chuyên gia của Lockheed Martin cho biết, hệ thống THAAD có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly 200km, tầm cao 150km. 2 radar AN/TPY-2 được kết nối với nhau qua một trung tâm chỉ huy.

Radar đầu tiên đặt ở vị trí khá xa so với radar còn lại và có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi, tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu. Radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn.

Hãng CNN đã có một bài viết đăng tải về tính năng hoạt động của hệ thống THAAD này. Ban đầu, radar sẽ là thiết bị đầu tiên phát hiện một tên lửa đang phóng tới. Sau đó tới lượt những người giám sát hệ thống xác định các mối đe dọa từ tên lửa đó. Nếu mối đe dọa này hiện hữu đủ nguy hiểm để họ đáp trả thì lúc đó một bệ phóng gắn trên một chiếc xe tải quân sự chuyên dụng sẽ bắn ra một viên đạn mà Lockheed Martin gọi là “đánh chặn”, nhắm vào tên lửa đạn đạo với hy vọng sẽ phá hủy nó ngay trên không nhờ sử dụng năng lượng động học.

CNN khẳng định, trong gần 10 năm qua, quân đội Mỹ đã sử dụng hệ thống THAAD để bảo vệ những đơn vị trọng yếu của họ ở các khu vực như đảo Guam và Hawaii khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng.

Ngòi nổ của mâu thuẫn mới

Về lý thuyết, THAAD không chỉ giúp tăng cường an ninh cho Hàn Quốc, mà nó còn nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo theo chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Hệ thống này của Mỹ gồm hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot, THAAD, hệ thống radar, radar tia X trên biển và chiến hạm Aegis.

Theo phân tích của các chuyên gia quân sự, Mỹ ở vị trí hai đầu lục địa Á-Âu thông qua việc kết nối các lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa này. Chính vì lẽ đó mà ngay từ khi Mỹ-Hàn Quốc bàn bạc để triển khai thì THAAD đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.

Nhiều người còn lo ngại THAAD sẽ thúc đẩy nảy sinh thêm các mâu thuẫn mới ở khu vực Đông Bắc Á. Đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn cho rằng, THAAD là ngăn chặn và làm giảm hiệu quả của các vũ khí mà họ triển khai.

Hãng Yonhap trích tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 8-3 cho hay, vấn đề lớn nhất trong quan hệ Hàn-Trung hiện nay là việc Hàn Quốc để Mỹ triển khai hệ thống THAAD bất chấp việc chính phủ Trung Quốc kịch liệt phản đối. Ông Vương Nghị nhấn mạnh phạm vi theo dõi của THAAD sẽ vượt qua bán đảo Triều Tiên và xâm hại nghiêm trọng lợi ích an ninh của Trung Quốc. Một số nhà phân tích nhận định, THAAD có mặt tại Hàn Quốc thì mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc và căn cứ quân sự ở Trung Quốc dọc theo Hoàng Hải đều nằm trong tầm trinh sát của hệ thống radar này.

Nhà phân tích Sungtae Jacky Park, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York (Mỹ) nói: "Radar của hệ thống THAAD có thể “xoi mói” các hoạt động quân sự từ sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Mọi hoạt động triển khai lực lượng có thể bị Mỹ phát hiện từ sớm gây bất lợi cho nước này”.

Còn Nga thì tuyên bố, hệ thống THAAD tại Hàn Quốc sẽ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên lâm vào thế bế tắc và tạo cho Washington thế bao vây Nga từ cả phía Đông và phía Tây. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky nhận định, việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc không thuộc chính sách ngăn chặn CHDCND Triều Tiên và có thể phá vỡ sự cân bằng chiến lược.

Đồng thời, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Nga còn nhấn mạnh rằng, việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc là vi phạm Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) giữa Mỹ-Nga”. Đây cũng là một trong những lý do khiến Moskva cân nhắc việc rút khỏi START mới.

Thỏa thuận START mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký kết năm 2010, có hiệu lực năm 2011. Hiệp ước này dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2021 và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa.

Ngọc Khuê
.
.
.