An ninh mạng bị đe dọa nghiêm trọng vì phần mềm lậu

Thứ Năm, 12/02/2015, 15:10
Mới đây, thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bất ngờ tiến hành thanh tra trường đào tạo ngoại ngữ Ila và công ty thực phẩm Hàn Quốc Orion Vina và phát hiện hầu hết phần mềm không có bản quyền đang được sử dụng.

Cuộc thanh tra là một phần của chiến dịch do các cơ quan Chính phủ phát động nhằm kêu gọi các doanh nghiệp chuyển từ sử dụng phần mềm không bản quyền sang sử dụng phần mềm có bản quyền qua đó giảm thiểu các nguy cơ an ninh mạng do các phần mềm sao chép lậu gây ra.

Theo các kết quả nghiên cứu do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) và Trường Đại học Quốc gia Singapore NUS tiến hành thì phần mềm không bản quyền được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lây lan virus và các phần mềm độc hại vào hệ thống máy tính.

An ninh mạng nổi lên là một vấn nạn đối với các cơ quan Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 với hàng ngàn cuộc tấn công vào các website tại Việt Nam do các các hacker nước ngoài hay các nhóm tội phạm có tổ chức gây ra với mức thiệt hại khổng lồ lên tới hàng tỷ đồng cũng như gây mất mát một lượng dữ liệu lớn cho nhiều cơ quan nhà nước do bị cài phần mềm độc hại.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao ý thức an ninh mạng cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng dường như chưa có nhiều doanh nghiệp thay đổi được thói quen cố hữu dùng phần mềm không bản quyền.

Theo VNISA, chỉ số An toàn thông tin của Việt Nam năm 2014  tăng nhẹ 1,5% so với năm trước lên mức 39%, tuy nhiên, vẫn thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc - ở mức 62%. Chỉ số được tính dựa trên môi trường an toàn thông tin và kết quả khảo sát về tình hình an toàn thông tin quốc gia trên 745 tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam do VNISA tiến hành từ năm 2011 đến 2014.

Cuộc khảo sát chỉ ra rằng tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), cài phần mềm độc hại và xâm nhập hệ thống là những hình thức phổ biến nhất. Các cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu của các tổ chức và cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng, và hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia sẽ vẫn là mục tiêu hàng đầu.

Ngoài ra, theo Báo cáo An ninh của Microsoft thì Việt Nam là nước bị tấn công bằng mã độc đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trên một nửa số máy tính mới mua tại Việt Nam đã bị cài sẵn mã độc, trong khi 80% số máy tính bị lây nhiễm các mã và phần mềm độc hại.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra việc sử dụng phần mềm tại một doanh nghiệp.

Nghiên cứu của VNISA cũng chỉ ra 45% các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát đầu tư rất ít – dưới 5% ngân sách – vào các hoạt động công nghệ thông tin trong khi các chuyên gia an ninh khuyến cáo một khoản đầu tư khoảng 10% ngân sách của doanh nghiệp là hợp lý.

 Chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp tham gia khảo sát, hầu hết là các ngân hàng và các tổ chức tài chính, đáp ứng con số các chuyên gia đưa ra khi đầu tư khoảng 10-15% ngân sách của họ cho CNTT.

Các con số ở trên đã nói lên tất cả những hậu quả của nguy cơ an ninh mạng, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dường như vẫn thờ ơ với thực trạng đáng báo động của an ninh mạng hiện nay.

Trường hợp của VCCorp là một minh chứng cho hậu quả an ninh mạng chưa tốt đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng hoặc có thể cao hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xem xét lại mức độ thiệt hại tiềm ẩn có thể xảy đến với xã hội khi sử dụng phần mềm không bản quyền.

Không quốc gia, ngành, cộng đồng hay cá nhân nào có thể miễn nhiễm với các nguy cơ an ninh mạng. Các quốc gia có thể phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh mạng thường trực vào cơ sở hạ tầng trọng yếu và kinh tế.

Còn đối với các doanh nghiệp, rủi ro an ninh mạng có thể đe dọa đến tài chính, điều hành hệ thống, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.

V.Cường
.
.
.