Xử lý thế nào khi xe mất phanh?

Thứ Tư, 19/06/2013, 18:06
Giống như mất lái, mất phanh là nguyên nhân dẫn tới hàng nghìn vụ tai nạn trên thế giới trong đó có Việt Nam, từ những vụ tai nạn thảm khốc vì mất phanh trong thời gian gần đây, chúng ta có thể rút ra bài học gì?

Tại sao xe bị mất phanh?

Hiện tượng mất phanh thường xuất hiện chủ yếu khi xe xuống dốc, đặc biệt là sau khi xe phải vận hành liên tục trong thời gian dài với trọng tải nặng.

Nguyên nhân của hiện tượng này khá đa dạng từ các yếu tố chủ quan như cách xử lý tình huống hoặc cách lái không hợp lý của người điều khiển, tình trạng xe tới những điều kiện khách quan như đường đồi núi, dốc cao, đường trơn hay điều kiện thời tiết mưa bão...

Trên thực tế, nhiều lái xe đặc biệt là xe tải và xe khách sau một thời gian làm việc có thể có tâm lý chủ quan, thậm chí là liều lĩnh khi tắt máy, thả dốc với số 0 (số mo) để tiết kiệm nhiên liệu. Cũng có người do lạ đường, thiếu kinh nghiệm đi đường đồi núi nên để xe xuống dốc với số cao (số 4, 5) và liên tục rà phanh khiến má phanh nóng lên và dễ bị trơ ko ăn hoặc nhiệt độ cao của má phanh làm lộn cupen ở xilanh phanh dẫn đến đạp phanh làm dầu thất thoát nhanh ra ngoài và phanh mất hiệu lực.

Vụ tai nạn thảm khốc tại tỉnh Khánh Hòa ngày 7/6/2013 được xác định là do mất phanh. Ảnh Nguyễn Chung/Báo Thanh Niên.

Cũng có người dưới áp lực lợi nhuận, đã chạy xe liên tục không ngừng nghỉ lại không bảo dưỡng kiểm tra khiến hệ thống phanh bị mòn quá mức cho phép nên dẫn tới hiện tượng mất phanh.

Những yếu tố chủ quan trên cộng với điều kiện đường xá kém, đường dốc và thời tiết xấu dẫn tới những vụ tai nạn thương tâm.

Làm gì khi bị mất phanh?

Để tránh bị mất phanh, ngoài việc phải bảo dưỡng xe theo định kỳ, mỗi lái xe trước một hành trình dài, đặc biệt là những cung đường đồi núi nhiều dốc, cần kiểm tra kỹ phanh, côn, tình trạng lốp xe để tránh sự cố trên đường.

Khi đi trên những cung đường đồi núi nhiều dốc, tài xế nên đi chậm, sử dụng số thấp, hạn chế ra phanh mà dùng số thấp để giảm tốc cho xe đồng thời cần cho xe nghỉ để hạ nhiệt cho hệ thống phanh. Ngoài ra, nếu thời tiết hoặc đường xá quá xấu, người lái nên cân nhắc việc có nên tiếp tục hành trình hay không.

Và khi xe chẳng may bị mất phanh, người lái cần cố gắng giữ bình tĩnh, nhả hoàn toàn chân ga và tiếp tục đạp phanh để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu phanh mềm và đạp sát tận sàn, rất có thể nguyên nhân là do hỏng đường ống làm mất áp suất dầu phanh.

Trong trường hợp này, người lái thử đạp lại nhiều lần thì sẽ có cơ may hồi phục áp suất phanh. Tuy nhiên, nếu chân phanh cứng đanh, điều này chứng tỏ hệ thống phanh đang bị tắc đường dẫn thủy lực, hoặc phanh bị bó cứng thì người lái vẫn nên tiếp tục đạp phanh thật nhiều để có thể kích hoạt hệ thống chống bó cứng phanh ABS (nếu xe có trang bị) đồng thời về số thấp. Tuy vậy, cũng nên chú ý trả số một cách cẩn trọng từ 1 đến 2 cấp mỗi lần và nên theo tuần tự.

Lưu ý, việc tắt động cơ là điều tuyệt đối không nên làm, bởi khi đó hệ thống lái mất dần trợ lực nên rất nặng và khó điều khiển. Bên cạnh đó, việc động cơ ngừng đột ngột khi xe đang đi ở tốc độ cao sẽ dẫn tới hiện tượng mất lái.

Ngoài việc, cố gắng đạp phanh chân, người lái nên tìm cách giật phanh tay nhưng lưu ý kéo nhẹ nhàng, từ từ và đủ lực bởi nếu kéo quá mạnh, quá nhanh có thể làm khóa bánh, gây hiện tượng trượt, mất lái. Mỗi khi thấy xe có hiện tượng mất lái, cần nhả phanh tay ngay để tránh nguy cơ mất lái hoặc lật xe.

Trong lúc đó, lái xe cũng nên cố gắng bình tĩnh để quan sát đế tránh các phương tiện khác và bật đèn cảnh báo, nháy pha hoặc dùng còi gây sự chú ý để người khác biết mối nguy hiểm đồng thời mở cửa sổ để tăng tính cản gió và dễ gọi người trợ giúp.

Tài xế cũng có thể đánh võng từ trái sang phải và ngược lại để tăng lực cản, giảm tốc độ nhưng không nên làm điều này ở tốc độ cao bởi có thể lật xe.

Trong trường hợp bất đắc dĩ, tài xế sẽ phải tìm chướng ngại vật mềm như bụi cây, vũng lầy để có thể dừng xe

Toàn Hòa
.
.
.