Vì sao thành phố xe hơi Mỹ Detroit sụp đổ?

Chủ Nhật, 21/07/2013, 15:56
Từng là sản xuất 4/5 lượng xe hơi trên toàn thế giới với tổng bình quân thu nhập cao nhất nước Mỹ trong những năm 1950, Detroit đã đi xuống và sụp đổ vì những lí do gì?

Thông tin về việc thành phố gắn với ngành công nghiệp ôtô Mỹ đệ đơn phá sản và xin bảo hộ là điểm nóng của báo giới Mỹ và thế giới trong những ngày qua. Thành phố vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ được cho là bị sụp đổ bởi gánh nặng nợ công lên tới 18,5 tỷ USD. Tuy nhiên, bên trong của sự sụp đổ này thực sự là gì? Những nguyên nhân nào đã khiến thành phố này phải mang trên mình khoản nợ khổng lồ và ngày càng trở nên hoang tàn với số dân ngày càng suy giảm?

Trên thực tế, khoản nợ lên đến 18,5 tỷ USD chỉ là cái cớ, là sự thừa nhận cho việc đệ đơn xin phá sản, theo chương 9, Luật Bảo hộ phá sản (Mỹ) của thành phố Detroit. Nguyên nhân của tình trạng này trên thực tế lại gắn tới khả năng trả nợ và sự đi xuống toàn diện của thành phố này và theo các chuyên gia, có 7 yếu tố khiến thành từng được mệnh danh là “kinh đô xe hơi” của Mỹ vỡ nợ.

Trong những năm 1950, Detroit là một thành phố sầm uất với những tòa nhà chọc trời và dân số hơn 2 triệu người. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuộc suy thoái của ngành công nghiệp ôtô trong những năm 1970 và 1980, dân số thành phố này liên tục giảm và từ một thành phố đông dân thứ 4 nước Mỹ, đến nay Detroit chỉ còn vỏn vẹn 685.000 người. Không chỉ thế, số người này còn đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp cao, tỷ lệ tội phạm cao, thiếu dịch vụ công...

Sự đi xuống và hành động rời bỏ Detroit của các đại gia xe hơi Mỹ, đặc biệt là việc General Motors từng bị phá sản cùng với khủng hoảng bất động sản đã đánh những đòn chí mạng lên Detroi khiến các khoản thu thuế đặc biệt là thuế bất động sản giảm nghiêm trọng. Năm 2011, chỉ có 53% chủ nhà đóng thuế bất động sản, đồng thời có tới hàng chục nghìn ngôi nhà bị bỏ hoang và dần trở thành đống đổ nát.

Cho tới nay, hầu hết các nhà sản xuất ô tô Mỹ đã di chuyển phần lớn khối lượng sản xuất của họ ra khỏi Detroit khi xây dựng hàng loạt nhà máy mới ở các địa phương khác trên đất Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Các cuộc di tản này đã góp phần không nhỏ đến kết cục buồn như hôm nay cho một thành phố đã từng là kinh đô xe hơi thế giới.

Nguồn thu giảm cộng với việc quản lý lỏng lẻo và nạn tham nhũng khiến ngân sách thành phố ngày càng âm. Thiếu tiền, gần 40% công trình công cộng không hoạt động, nhiều công trình công cộng đang xuống cấp, bị bỏ rơi và hư hỏng.

Cùng với nạn thất nghiệp và thiếu dịch vụ công, Detroit trở thành là thành phố của tội phạm với tỷ lệ tội phạm cao nhất nước Mỹ và gấp 5 lần mức trung bình toàn liên bang.

Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến sự phá sản của Detroit chính là sự yếu kém trong quản lý tài chính và những cuộc đấu tranh nội bộ. Điều này đã đẩy một thành phố từ nợ nần đến không còn khả năng chi trả và phải phá sản.

Toàn Hòa
.
.
.