Rút ra điều gì từ các vụ xe điên đâm liên hoàn?

Thứ Năm, 05/09/2013, 15:55
Thêm một vụ đâm xe liên hoàn gây chết người vừa xảy ra tại Hà Nội khiến nhiều người phải tự hỏi nguyên nhân của hiện tượng xe điên và làm thế nào để phòng tránh?

Chiều ngày 4/9, tại ngã tư Trần Nhân Tông – Phố Huế (Hà Nội), một chiếc Toyota Venza đã mất lái và đâm một loạt xe đạp, xe máy cùng biển báo trên đường trước khi đâm vào tường nhà số 81 phố Huế rồi lật ngửa trên vỉa hè.

Vụ tai nạn nghiêm trọng này đã khiến 1 người tử vong, 5 người bị thương và làm cho nhiều người hoảng sợ.

Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được điều tra. Tuy nhiên, theo các nhân chứng và đánh giá của nhiều "tay lái già" trên các diễn đàn ôtô xe máy lớn, nguyên nhân vụ tai nạn có thể là do người lái đã thiếu tập trung rồi bị giật mình và nhầm chân ga với chân phanh.

Trên thực tế, việc nhầm chân ga với chân phanh từng là nguyên nhân của không ít vụ xe điên đâm liên hoàn khác tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc nhầm lẫn nguy hiểm này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do lái xe thiếu tập trung và non kinh nghiệm khi lái xe số tự động.

Chiếc Toyota Venza bị lật ngửa trên phố Huế, Hà Nội sau khi đâm một loạt xe máy, xe đạp và biển báo giao thông. Ảnh Otofun.

Tại Việt Nam, việc dạy đào tạo lái xe hiện mới chỉ được thực hiện bằng các xe trang bị hộp số sàn và chủ yếu là xe thuộc các phiên bản cũ, thậm chí là những xe có tuổi đời tới vài chục năm. Trong khi đó, nhiều người ngay sau khi lấy bằng lái đã sử dụng xe số tự động đời mới để tham gia lưu thông hàng ngày mà ít luyện tập cho quen xe nên dễ gặp sự cố.

Để phòng tránh nguy cơ này, cần lưu ý những điều gì?

- Với những người mới có bằng lái nên tiến hành luyện tập dưới sự giám sát của người có kinh nghiệm để quen xe và có kinh nghiệm xử lý tình huống trên những địa hình đường xá và thời tiết khác nhau trước khi chính thức sử dụng xe hàng ngày.

- Trước khi điều khiển xe cần tìm hiểu và làm quen với tính năng và thiết kế của xe như thiết kế cần số, vị trí và thiết kế phanh tay vì với mỗi dòng xe, phiên bản xe cần số và phanh đều có thiết kế riêng để dễ dàng xử lý các tình huống bất ngờ trên đường.

- Khi chuyển từ xe số sàn sang xe số tự động, cần bỏ thói quen lái xe bằng hai chân và chỉ sử dụng chân phải để điều khiển chân phanh hoặc chân ga. Để tạo thói quen lái xe bằng chân phải, bạn có thể “gác hẳn chân trái lên” để tránh đạp nhầm.

- Mỗi khi chuyển chế độ lái nên đạp phanh.

- Khi dừng xe (kể cả ở những lúc dừng đèn đỏ lâu trên 20 giây), nên đạp phanh và chuyển cần số về vị trí P; hoặc về N kết hợp kéo phanh tay.

- Luôn tập trung khi ngồi sau vô lăng và tuân thủ tuyệt đối Luật giao thông.

- Với phái đẹp, khi lái xe không nên dùng giầy cao gót

Toàn Hòa
.
.
.