Lái xe đổ đèo, kinh nghiệm rút ra sau tai nạn thảm khốc ở Cao Bằng

Thứ Ba, 18/12/2012, 19:49
Đổ đèo với tốc độ cao và phanh gấp khi gặp đám đông, một chiếc container đã thổi bay hơn chục người xuống vực tại Cao Bằng. Vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người bị chết này để lại nhiều bài học cả cho tài xế lẫn những người đi đường.

Một trong những thói quen không tốt của người Việt Nam là thường xuyên túm đông túm đỏ để xem các vụ tai nạn. Việc tụ tập này để cứu hộ nạn nhân thì ít mà để xem “cho vui” là nhiều và nhiều người đang đi cũng đột ngột dừng lại hoặc đứng ngay giữa đường chỉ để xem tai nạn của người khác.

Thói quen này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các vụ tai nạn mà bằng chứng mới nhất chính là vụ việc xảy ra hôm 9/12 vừa qua tại đèo Kéo Pựt, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh - đoạn từ huyện Quảng Uyên đi thành phố Cao Bằng.

Đám đông đứng xem và cứu hộ một chiếc xe tải gặp tai nạn đã bị một chiếc container đang đổ đèo với tốc độ cao thổi bay xuống vực.

Bobi – Giữ tốc độ an toàn và đi đúng làn đường khi trên đèo.

Để những vụ tai nạn thảm khốc như trên không lặp lại, chúng ta có thể rút ra những bài học gì?

Với người đi đường, thực tế cho thấy khi có sự cố hoặc tai nạn trên đường việc dừng lại hỗ trợ nạn nhân là cần thiết và hợp với đạo lý. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên dừng xe đột ngột mà cần từ từ giảm tốc độ rồi mới tạt xe vào bên đường trước khi dừng hẳn để giúp các nạn nhân. Tuyệt đối không nên đứng xem giữa đường mà cần nhanh chóng đưa nạn nhân vào lề đường.

Với các tài xế, những kinh nghiệm lái xe đổ đèo sau có thể sẽ giúp lái xe an toàn và phòng tránh những tai nạn đáng tiếc.

- Kiểm tra tổng thể xe, đặc biệt là hệ thống phanh và lốp là một lưu ý quan trọng với mọi tài xế trước khi vào đèo.

- Khi đi đường đèo nên bật đèn dù là ban ngày để có thể phát tín hiệu cảnh báo cho các phương tiện khác đi cùng lưu thông trên đường. Trong thời tiết có sương mù, nên bật đèn gầm hoặc dán nylon màu vàng vào đèn.

- Khi đi vào góc cua khuất, nên bấm còi và nháy đèn để thông báo cho các phương tiện giao thông khác, ngay cả khi đường có gương cầu quan sát.

- Nên để máy vận hành ở số thấp và "lên số nào - xuống số đó".

- Khi đổ đèo nên dùng số để hãm tốc độ của xe thay vì lạm dụng phanh. Phanh xe chỉ dùng trong trường hợp cần giảm tốc độ khẩn cấp nhưng trước khi phanh gấp cũng nên cố gắng về số để hạn chế bớt tốc độ. Ngay cả khi phải dùng phanh để giảm tốc độ cũng tránh phanh gấp, nhất là trong lúc xe đang nghiêng nếu không xe rất dễ bị lật.

- Tránh không rà phanh bởi việc này sẽ khiến má phanh nóng và dẫn tới mất ma sát và cháy may ơ làm phanh mất tác dụng

- Dùng số phù hợp, số thấp quá sẽ nóng máy còn số cao quá dễ mất kiểm soát. Ra vào số theo nguyên tắc "lên già - xuống non", nghĩa là khi lên ta tăng số muộn hơn - khi xuống ta về (xuống) số sớm hơn khi lái trên đường bằng.

- Đi vào cua đi đúng làn đường của mình, không lấn trái, nhưng cũng không bám phải quá. Chú ý quan sát xem có xe xuống ngược chiều hay không để lựa tầm tránh và nếu không có xe ngược chiều có thể lấn đường một chút.

- Hạn chế vượt xe khác khi leo đèo còn nếu có ý định vượt xe khác trên đèo thì chọn đoạn có tầm quan sát rộng, vượt dứt khoát, vượt xong phải về lại phần đường của mình. Hạn chế vượt lúc vào cua trừ những góc cua trái có tầm quan sát rộng.

- Không đi sát các xe khác, giữ khoảng cách an toàn, phòng trường hợp phanh gấp.

- Khi leo đèo quá dốc, toàn đá hoặc bùn trơn nên kiếm dây thừng quấn vào bánh xe để tăng độ ma sát.

- Vào mùa mưa lũ, nên tìm hiểu thông tin về cung đường và thời tiết trước khi đi. Trên đường nên chú ý các đoạn đường vách núi cao, nếu có hiện tượng nước màu gạch chảy qua đường, đoạn đường đó rất dễ bị sạt lở do đất đá đã no nước và dễ có hiện tượng lũ bùn. Chú ý từ xa những bụi nhỏ, đá con rơi từ vách núi xuống, nếu các loại đá bụi này rơi từ vị trí càng cao càng nguy hiểm bởi đó là hiện tượng sạt lở, cây cối đổ, sạt ta luy... Trong những trường hợp này phải đi thật chậm để quan sát và nếu quá nguy hiểm thì nên quay đầu xe để giữ an toàn

Toàn Hòa
.
.
.