HTT muốn xây đường tàu đệm từ chân không tại California

Thứ Bảy, 22/08/2015, 15:09
Ngày 20/8, công ty Công nghệ vận tải Hyperloop (Hyperloop Transportation Technologies - HTT) tuyên bố sẽ xây dựng tuyến đường tàu đệm từ di chuyển trong môi trường chân không đầu tiên trên thế giới.

HTT (kết hợp giữa hãng SpaceX và quỹ Tesla của tỉ phú Elon Musk) hiện là một doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) lớn nhất thế giới. HTT tuyên bố, hãng này có kế hoạch kết hợp với công ty công nghệ Thụy Sĩ Oerlikon và hãng xây dựng kỹ thuật AECOM để tạo ra 5 dặm đường ray sử dụng công nghệ đệm từ chân không tại California.

Dự án đầy tham vọng

Công nghệ chạy tàu siêu tốc Hyperloop hoàn toàn khác với các loại tàu đệm từ hiện có. Các loại tàu cũ sử dụng đệm từ để giảm bớt ma sát với đường ray, và hình dạng khí động học để tối thiểu hóa sức cản không khí. Trong khi đó công nghệ Hyperloop làm cho sức cản không khí gần như... biến mất.

Để làm được như vậy, tàu siêu tốc sử dụng Hyperloop (tàu Hyperloop) chạy hoàn toàn trong một đường ống có áp suất không khí thấp. Một động cơ đẩy đặt sau tàu sẽ giúp nó đạt tới tốc độ khoảng 1.200 km/h chứ không phải 500km/h như những đoàn tàu đệm từ tại Thượng Hải và Tokyo hiện nay.

Một điều nữa là tuyến đường ray chạy tàu Hyperloop tự cung cấp năng lượng cho nó nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời, rất thân thiện với môi trường.

Sau khi thử nghiệm, HTT có kế hoạch xây dựng các tuyến đường như thế tại nhiều nơi trên thế giới như châu Á, châu Phi…

Có khả thi?

Chính yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và chi phí về tài chính để xây dựng và duy trì một tuyến đường ray Hyperloop đang đe dọa sự phát triển của công nghệ này.

Hyperloop có tốc độ vượt trội so với công nghệ tàu cũ nhờ nó chuyển động trong môi trường chân không. Để tạo ra và duy môi trường chân không trong tuyến "đường ray mới", HTT phải liên kết với hai đối tác AECOM và Oerlikon.

AECOM là công ty hàng đầu thế giới về xây dựng kỹ thuật cao, trong khi đó Oerlikon có kinh nghiệm với công nghệ chân không khi nổi tiếng nhờ việc chế tạo các máy gia tốc hạt cỡ lớn (thiết bị quan trọng trong ngành khoa học hạt nhân).

Tuy nhiên duy trì môi trường chân không cũng là một trong các thách thức về kỹ thuật. Khi “đường ống” bị rò rỉ khí từ bên ngoài có thể khiến tàu gặp tai nạn.

Ngoài ra chi phí để duy trì tuyến đường thử nghiệm 5 dặm này theo ước tính của HTT là khoảng 100 triệu USD. Điều đó có nghĩa là để có một tuyến đường ray như thế giữa Los Angeles and San Francisco người ta cần tới 8 tỷ USD. Quá đắt đỏ. 

HTT hiện đang quy tụ một đội ngũ khoảng 400 thành viên làm việc trên các lĩnh vực riêng rẽ khác nhau. Tất cả bọn họ bao gồm CEO Dirk Hyperloop Ahlborn đều không có lương. Mỗi người trong bọn họ làm việc 10 giờ mỗi tuần vào thời gian rảnh, tất cả sẽ nhận được cổ phiếu của Hyperloop nếu công việc kết thúc đúng kế hoạch.


Bình Nguyễn
.
.
.