Ảm đạm thị trường ôtô nội địa:

Cơ hội mua xe giá rẻ liệu có thành hiện thực?

Thứ Tư, 02/01/2013, 08:57
Tình trạng ảm đạm thị trường ôtô nội địa đang tước quyền mua xe giá rẻ của người dân và khiến các nhà nhập khẩu ôtô cho rằng chính sách thuế bảo hộ ngành sản xuất ôtô trong nước.
>> Phí trước bạ lên 20%, đăng kí ô tô ở Hà Nội năm 2012 giảm một nửa

Kết thúc năm 2012, số lượng tiêu thụ ôtô trên thị trường nội địa đã sụt giảm khá mạnh. Tổng số ôtô các loại bán ra chỉ đạt con số hơn 90 ngàn xe, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng được các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (Vama) đưa ra hồi đầu năm là 130 đến 140 nghìn xe. Trong đó, lượng xe lắp ráp, sản xuất của các thành viên Vama chỉ đạt 71.860 xe.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ngoài việc thị trường sụt giảm do kinh tế khó khăn, lãi suất cho vay mua xe ở mức quá cao và điều kiện cho vay chặt… Theo ông Laurent Charpentier, Chủ tịch Vama, việc cho phép các thị trường ôtô lớn của cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được tăng mức thu lệ phí trước bạ từ 12% lên 15 - 20%, kèm theo đó là lệ phí cấp biển số tăng gấp 10 lần, lên mức 20 triệu đồng; rồi thông tin thu phí hạn chế xe cá nhân cũng như thu phí đường bộ với ôtô…cùng lúc phải gánh tới hơn 10 loại thuế, phí trong lúc giá xăng dầu tăng cao càng khiến người dân, DN phải tính toán cẩn trọng khi mua xe ôtô.

Thông tin được Vama đưa ra là 52% số người được khảo sát cho rằng sẽ từ bỏ ý định mua xe nữa do các loại phí; 23% trả lời sẽ phải đắn đo nhiều trong việc mua xe. Theo tính toán của Vama, chỉ cần tính với giá trung bình 500 triệu đồng/xe hơi, nguồn thu từ thuế, phí sẽ bị giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng trong năm 2012 do thị trường ế ẩm.

Cảnh xe bày bán nhưng vắng khách mua tại một đại lý.

Xe không bán được, tồn kho ở mức cao khiến nhà sản xuất phải thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm sản xuất; hệ thống đại lý bán lẻ gặp khó khăn do thiếu vốn. Song các chính sách với ôtô thời gian gần đây vẫn cứ nhắm vào việc hạn chế mua sắm xe. Tình trạng này càng tước quyền mua xe giá rẻ của người dân và khiến các nhà nhập khẩu ôtô cho rằng chính sách thuế bảo hộ ngành sản xuất ôtô trong nước.

Theo Vama, công nghiệp ôtô có thể đóng góp tới 30% nguồn thu hằng năm cho ngân sách; tạo ra cả chục triệu việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển... nhưng thời gian qua, công nghiệp ôtô trong nước không được coi là ngành công nghệ cao nên không có chính sách ưu đãi nào để phát triển. Đại diện một hãng xe phản ánh, DN đã đầu tư máy móc và công nghệ để nội địa hóa 50% cho 4 mẫu ôtô bằng công nghệ cao. Nhưng chưa được hưởng gì từ những ưu đãi của chính sách. Thậm chí, phải đến khi nhà sản xuất đưa ra đề nghị: hãng xe nào có tỷ lệ nội địa hóa trên 50% sẽ được giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng để khuyến khích sản xuất trong nước, song cũng không được đồng tình. Người dân phải mua xe giá cao; nhà sản xuất dù được bảo hộ vẫn gặp khó khăn, không dám đầu tư mở rộng sản xuất; quy hoạch phát triển ngành CN ôtô không đạt được… thì từ năm 2014 tới, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô trong khối ASEAN đã phải giảm xuống còn 50% và tiếp tục giảm dần trong các năm sau. Đến năm 2018, theo cam kết của các thành viên AFTA, thuế nhập khẩu với ôtô trong khối ASEAN giảm xuống chỉ còn mức 0-5%. Thách thức này càng khiến các nhà đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô triệt tiêu ý định đầu tư nâng cấp, mở rộng sản xuất. Khi đó, cơ hội mua xe ôtô với giá bằng các nước trong khu vực của người tiêu dùng nội địa liệu có thành hiện thực?

Đ.Thắng
.
.
.