Bạn đang bị đầu độc trên chính "xế cưng" của mình?

Thứ Ba, 09/08/2016, 13:01
Khi mới sở hữu xe, chủ xe thường bị "mê hoặc" bởi hương thơm bên trong khoang ca-bin. Tuy nhiên, ít người biết rằng, mùi hương này được tạo ra từ nhiều loại hóa chất và một trong số chúng chứa độc tính rất cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.

Xe ô tô được cấu tạo từ rất nhiều các chi tiết khác nhau, trong khi ngoại thất xe chỉ đơn giản là sắt và nhôm, thì nội thất lại là một không gian được chế tạo từ vô số các loại nhựa, da, keo dán, cao su và các loại vải khác nhau. Trong thành phần của những loại vật liệu này có chứa các dung môi tạo nên mùi đặc trưng mà bạn có thể ngửi thấy khi vừa mở cửa xe.

Đặc biệt, các hợp chất được gọi là “hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)”, chứa trong phần lớn những đồ nội thất của xe có khả năng gây chết người ở một liều lượng nhất định. Các loại khác thì sở hữu khả năng gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.

Theo thống kê, có hơn 200 chất hóa học tồn tại trong xe, tất cả chúng đều không được đề cập cụ thể và tất nhiên người sử dụng xe cũng không hình dung được họ đang phải đối mặt với mức độ nguy hiểm đến đâu. Danh sách các chất hóa học tồn tại trong xe sẽ không khiến bạn phải rùng mình vì độ nguy hiểm khi chứa các gốc Benzen, là một hydrocarbon thơm có mùi thơm nhẹ, nhưng mùi này gây ra bệnh bạch cầu cho nạn nhận hít phải. Bên cạnh đó, khi hít Benzen vào ở nồng độ cao còn có thể gây vô sinh.

Hợp chất Toluen chiếm số lượng lớn thứ 2, nó có khả năng bay hơi nhanh và chỉ cần một lượng nhỏ 1/1000 mg/l, Toluen đã gây cảm giác mất thăng bằng, loạng choạng, đau đầu; nếu nồng độ cao hơn có thể làm nạn nhân bị ảo giác và ngất xỉu.

Cuối cùng, các kim loại nặng là thứ không thể thiếu trong các bộ phận nội thất của xe.

Thang đo độ nguy hiểm nằm ở mức cao nhất khi bạn “tậu” được 1 em xe mới với mùi nội thất cực kỳ “quyến rũ”. Lúc này, các hợp chất vừa được tạo ra vẫn chưa đạt độ ổn định, dẫn đến tình trạng bay hơi liên tục của hóa chất và tạo nên mùi đặc trưng cho nội thất xe. Mỗi dòng xe có kết cấu nội thất khác nhau nên hàm lượng các chất được sử dụng cũng khác nhau, điều này dẫn đến mùi “thơm” đặc trưng của từng dòng xe là khác nhau.

Một điều cần lưu ý đến từ nhiệt độ của ánh nắng mặt trời. Việc đậu xe ngoài nắng có thể làm bạn bị đầu độc nhanh hơn vì các hợp chất bay hơi nhanh hơn và phản ứng hóa học cũng diễn ra nhanh chóng hơn. Tin mừng là các chất này sẽ giảm theo thời gian và các chuyên gia cũng nhận định mức độ nguy hiểm sẽ xuống thấp nhất sau 6 tháng đầu tiên bạn mua xe.

Ông Jeff Gearhart – Giám đốc nghiên cứu của Viện Sinh học Mỹ tại Michigan đưa ra nhận định: ”Hợp chất cấu tạo nên những bộ phận trong nội thất xe tương tự như một món Cocktail được trộn từ các chất độc hóa học”. Viện Sinh học Mỹ giám sát và kiểm tra độ độc hại của nội thất xe trong hàng năm trời và họ đã ghi nhận được một số cải tiến từ những nhà sản xuất.

Hiện nay các nhà sản xuất xe hơi đã thông báo họ sẽ từng bước giảm nồng độ VOC được sử dụng trong xe cùng với các chất độc dễ bay hơi khác, chẳng hạn như thay thế chúng bằng những vật liệu phủ và kết dính khác thân thiện với môi trường và sức khỏe của con người hơn.

Vào năm 2006, Viện Sinh học Mỹ đã phát hiện ra nhựa PVC tồn tại hầu như trong tất cả nội thất xe có khả năng gây ra ung thư cho người sử dụng. Đến năm 2012, tỉ lệ sử dụng chất này trong xe giảm xuống còn 73% và rất nhiều hãng xe cam kết họ sẽ tiếp tục cắt giảm việc sử dụng nhựa PVC.

Ngoài ra, những năm gần đây hệ thống lấy gió và lọc không khí liên tục được các hãng sản xuất xe hơi cải tiến. Tất nhiên, Viện Sinh học vẫn tiếp tục kiểm tra mức độ an toàn trên những vật liệu thay thế này.

Làm gì để hạn chế bị "đầu độc?

Trong tình hình hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo người sử dụng nên liên tục làm thoáng khí cho nội thất xe, đặc biệt trong 6 tháng đầu tiên sở hữu xe mới, nhằm hạn chế tối đa các chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe. Những việc nên làm như đậu xe trong bóng râm và hạ kính cửa sổ (khi an toàn), nếu buộc phải để ngoài nắng và đóng kính cửa, bạn cần đẩy không khí bẩn ra ngoài bằng cách hạ kính cửa sổ bên phụ phía sau và “quạt” liên tục cửa tài để ép luồng khí đi ra ngoài.

Thêm vào đó, hạn chế ngồi trong xe khi xe đậu tại chỗ, che phần kính chắn gió để tránh nội thất bị “nung” bởi mặt trời. Viện Sinh học Mỹ cũng khuyên bạn cần thường xuyên lau nội thất xe bằng khăn lau siêu thấm làm từ sợi Microfiber vì các chất hóa học sẽ bám vào bụi đóng trong xe. Bằng những việc này, bạn sẽ hạn chế tối đa các chất hóa học bay hơi từ nội thất xe ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình.

Anh Nguyễn (theo OtoS/BBC)
.
.
.