Số phận “ba chìm, bảy nổi” của một hiệp ước

Thứ Bảy, 25/02/2023, 09:35

Giới chuyên gia bình luận như vậy khi nói đến Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Thực tế đã chứng minh, số phận của Hiệp ước này “biến thiên” theo sự lên xuống của mối quan hệ Nga – Mỹ.

Một phần quan trọng trong cấu trúc an ninh toàn cầu

Trong Thông điệp liên bang 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đình chỉ tham gia New START với Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế do hiệp ước này quy định về số lượng đầu đạn mà nước này có thể triển khai. Bộ này cho biết những quyết định trên được đưa ra nhằm “duy trì mức độ vừa đủ về khả năng dự đoán và sự ổn định trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân”.

Đáng chú ý, trong Thông điệp Liên bang lần này, người đứng đầu Điện Kremlin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom nên “sẵn sàng thực hiện các vụ thử hạt nhân nếu cần thiết”. Các nguồn tin của TASS cho biết trước yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin,Bộ Quốc phòng Nga và Rosatom có thể sẽ thực hiện nhiệm vụ này tại bãi thử hạt nhân Novaya Zemlya - vốn đang trong trạng thái sẵn sàng hoạt động. Mặc dù vậy, quyết định của Nga được đánh giá là một tín hiệu nữa cho thấy niềm tin ngày càng xói mòn giữa 2 quốc gia nắm giữ tới 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới.

Số phận “ba chìm, bảy nổi” của một hiệp ước -0
Nga và Mỹ đang chiếm tới 90% số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Ảnh: Getty Images

Hiệp ước New START được xây dựng dựa trên các thỏa thuận trong Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân, sẽ không hết hạn cho đến tháng 2/2026. Tuy nhiên, trên thực tế các cuộc kiểm tra thường xuyên theo yêu cầu của hiệp ước đã không được tổ chức trong gần ba năm qua.

Nguyên nhân một phần do đại dịch COVID-19 và hơn hết là mối quan hệ ngày một đi xuống giữa Nga và Mỹ. Trên thực tế, số phận của Hiệp ước New START “ba chìm bảy nổi” cùng với sự lên xuống của mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, văn kiện nhiều lần đứng trước nguy cơ đổ vỡ và chỉ được gia hạn sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền năm 2021. Tháng 8/2022, Nga đã “tạm thời” đình chỉ các cuộc thanh tra kho vũ khí hạt nhân của mình theo hiệp ước nhằm phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với máy bay Nga, khiến Điện Kremlin không thể đưa các thanh sát viên của mình đến Mỹ. Các chuyên gia cảnh báo, kịch bản về sự sụp đổ của New START sẽ đánh dấu sự sụp đổ gần như hoàn toàn của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Mỹ và Liên Xô đã xây dựng trong suốt những năm 1980, 1990.

Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric đã ngay lập tức lên tiếng kêu gọi Nga và Mỹ nên tiếp tục thực hiện đầy đủ Hiệp ước New START về kiểm soát vũ khí hạt nhân mang tính bước ngoặt: “Một thế giới không có kiểm soát vũ khí hạt nhân là một thế giới nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra. Mọi nỗ lực nên được thực hiện để tránh kết quả này, bao gồm việc quay lại đối thoại ngay lập tức”. Ông nhắc lại quan điểm rõ ràng của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres là Nga và Mỹ nên nối lại việc thực hiện đầy đủ Hiệp ước New START mà không được chậm trễ. New START và sự thành công của các hiệp ước song phương về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa hai nước đã mang lại an ninh không chỉ cho Nga và Mỹ, mà còn cho toàn bộ cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ quan điểm này, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Trương Quân nêu rõ: “New START cùng với các công cụ khác là một phần quan trọng trong cấu trúc an ninh toàn cầu. Chúng tôi lấy làm tiếc là các bên liên quan đang có những bước đi tiêu cực”.

Theo nhà ngoại giao, Bắc Kinh cho rằng, các bên liên quan “nên tiếp tục đàm phán với nhau về vấn đề này”. Khi được hỏi liệu Nga có nên quay lại thực hiện New START hay không, ông đáp: “Mỹ là nước đầu tiên rút khỏi các công cụ này nên họ phải là nước đầu tiên sẵn sàng thực hiện các bước đi có trách nhiệm để khởi động các công cụ này trở lại”. Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng kêu gọi Nga cân nhắc lại quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước New START, đồng thời nhấn mạnh, kiểm soát vũ khí rất quan trọng đối với an ninh toàn cầu. Trước đó, Mỹ và NATO cũng đưa ra lời kêu gọi Nga xem xét lại. Washington khẳng định, sẵn sàng đàm phán bất chấp những bất đồng trong quan hệ song phương về các vấn đề khác.

Và các tác động

Mặc dù Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế của New START, nhưng việc đình chỉ hiệp ước này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ khó giám sát việc tuân thủ hiệp ước hơn. Cụ thể, việc đình chỉ New START về mặt lý thuyết sẽ cho phép Nga chấm dứt tuân thủ các giới hạn về vũ khí hạt nhân được triển khai và cũng sẽ ngừng các cuộc họp của Ủy ban tư vấn song phương - cơ quan giám sát thực thi hiệp ước này. Các chuyên gia cho rằng nếu Tổng thống Putin có những động thái quyết liệt hơn, ngừng báo cáo và trao đổi dữ liệu thường lệ về các hoạt động vũ khí hạt nhân và các diễn biến liên quan khác, đây sẽ là đòn giáng nghiêm trọng hơn nữa. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, ông John Erath, Giám đốc chính sách cấp cao của Trung tâm Kiểm soát vũ trang và không phổ biến vũ khí hạt nhân có trụ sở tại Washington, nhận định động thái đình chỉ Hiệp ước New START của Nga “hoàn toàn mang tính biểu tượng”.

Thực chất, việc kiểm tra nhằm đảm bảo sự tuân thủ hiệp ước này đã không được tiến hành từ nhiều năm qua. Ông tin rằng, Tổng thống Vladimir Putin đưa ra tuyên bố này để gây áp lực lên người đồng cấp Joe Biden về cách tiếp cận Nga trong vấn đề chấm dứt xung đột, để Nga có thể đưa ra các điều khoản nếu điều đó xảy ra.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.