Người cao tuổi tại Italia không đủ khả năng trả hoá đơn tiền điện

Thứ Ba, 15/02/2022, 09:33

Gần đây, chính quyền thành phố Florence đã nhận được nhiều cuộc gọi và thư từ những người cao tuổi, bày tỏ rằng họ không còn đủ khả năng chi trả hoá đơn điện và gas vì giá năng lượng cao kỷ lục.  

Theo tờ La Repubblica, việc giá năng lượng tại Italia tăng hơn 50% đã gây ra nhiều tác động tiêu cực không chỉ tới nền kinh tế nước này mà còn ảnh hưởng tới đời sống xã hội, đặc biệt là những thành phố có khoảng 30% dân số trên 65 tuổi như Florence.

Trong bối cảnh này, chính quyền thành phố Florence đã triển khai sáng kiến "chia sẻ hoá đơn" nhằm hỗ trợ những người cao tuổi neo đơn, nhóm người dễ bị tổn thương nhất vì chi phí năng lượng tăng. 

Người cao tuổi tại Italia không đủ khả năng trả hoá đơn tiền điện -0
Giá năng lượng tăng vọt tại châu Âu gây tác động lớn đến đời sống xã hội các nước trong khu vực. Ảnh: Getty.

Sara Funaro, ủy viên hội đồng phúc lợi của Florence cho biết: "Từ tiền lương hưu, những người cao tuổi neo đơn phải trả tiền thuê nhà, tiền ăn uống và giờ là cả những hoá đơn điện và khí đốt cao ngút trời. Chúng tôi muốn họ được sống an nhàn hơn một chút khi về già. Do đó, sáng kiến chia sẻ hoá đơn ra đời".

Theo cô Sara Funaro hàng trăm cá nhân và doanh nghiệp đã đăng ký đóng góp, thể hiện tinh thần đoàn kết và sẻ chia nhân văn. 

Trước đó, Hiệp hội các thành phố tự trị Italia (ANCI) ước tính rằng hóa đơn năng lượng sẽ tăng ít nhất 550 triệu euro cho các địa phương, trong tổng chi phí điện hàng năm từ 1,6 tỷ euro - 1,8 tỷ euro. Còn Florence cũng đã dành 7,4 triệu euro từ ngân sách 2022 cho chi phí năng lượng bổ sung. 

Chính phủ Italia đã nỗ lực để giảm bớt gánh nặng tiền điện và khí đốt cho các gia đình và doanh nghiệp bằng cách ban hành các biện pháp hỗ trợ trị giá 5,5 tỷ euro. Cuối tuần trước, Thủ tướng Mario Draghi thông báo chính phủ đang chuẩn bị cho một “sự can thiệp sâu rộng hơn nữa”.

Theo Euronews, giá năng lượng của châu Âu rất dễ biến động. Kho dự trữ khí đốt của khu vực này đang cạn kiệt nhanh hơn dự kiến, làm tăng sự tập trung vào nguồn nhập khẩu khí đốt từ Nga và dấy lên lo ngại rằng nguồn cung sẽ thiếu hụt trong trường hợp xảy ra lạnh giá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga được hoàn thành vào tháng 9/2021 vẫn chưa vận hành thương mại do cần phải có sự chấp thuận của Đức và Liên minh châu Âu (EU) theo quy định.

Dự án này trước đó không nhận được sự ủng hộ của Mỹ và một số quốc gia như Ba Lan và Ukraine với lý do dự án sẽ khiến EU phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga - quốc gia vốn đang cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của EU.

Linh Đan
.
.
.