"Cuộc diễn tập" cải cách vì một EU dân chủ hơn

Thứ Năm, 12/05/2022, 07:28

"Hội nghị đã thực sự trở thành một diễn đàn mở cho các cuộc tranh luận về châu Âu một cách minh bạch, toàn diện và có cấu trúc. Các khuyến nghị của công dân và kết luận của hội nghị đã góp phần đề ra lộ trình cần thiết nhằm cải cách có hiệu quả một Liên minh châu Âu (EU) dân chủ hơn, có chủ quyền và có khả năng hành động như những gì người dân mong đợi", Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh tại lễ bế mạc "Hội nghị Tương lai châu Âu" hôm 10/5, tại Strasbourg, Pháp. 

Vai trò trung tâm của thế hệ trẻ

Euronews ngày 11/5 đưa tin, "Hội nghị Tương lai châu Âu 2022" đã khép lại với những kết quả tích cực liên quan đến vấn đề cải cách nội khối EU, nhằm hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn và dân chủ hơn, trong đó không loại trừ cả việc sửa đổi các hiệp ước của EU. Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, 49 đề xuất và hơn 320 biện pháp tập trung vào những chủ đề từ vi mô đến vĩ mô như như việc đổi tên gọi của Uỷ ban châu Âu, biến đổi khí hậu và môi trường, sức khoẻ, sức mạnh kinh tế, công bằng xã hội, việc làm cho đến vai trò của châu Âu trên thế giới đã được mang ra thảo luận.

Cụ thể, các công dân châu Âu muốn châu Âu duy trì và thúc đẩy các mục tiêu tham vọng hơn nữa trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng với mục tiêu biến "lục địa già" thành châu lục đầu tiên trên thế giới đạt mức trung hoà carbon vào giữa thế kỷ XXI; châu Âu cần gia tăng chi tiêu quốc phòng, đạt được sự tự chủ chiến lược để trở thành một cường quốc địa chính trị trên thế giới; các công dân cần được tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định của khối và có thể tiến tới cải cách các Hiệp ước châu Âu, xoá bỏ cơ chế đồng thuận.

Theo Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola, các đề xuất được tổng hợp dựa trên ý kiến của nhóm các công dân thuộc hội đồng công dân châu Âu, hội đồng quốc gia và dựa trên những đóng góp được cung cấp thông qua nền tảng kỹ thuật số đa ngôn ngữ. "Người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi đóng vai trò trọng tâm trong tầm nhìn của lãnh đạo châu Âu về tương lai của liên minh và chính họ đã định hình kết luận của hội nghị.

Hội nghị Tương lai châu Âu chú trọng vào những đề xuất, sáng kiến của những người trẻ tuổi để hành động.Nguồn: EP.

Tinh thần chung của những đề xuất mà các công dân đưa ra là một sự đổi mới triệt để cách thức tổ chức, hoạt động của liên minh, gắn liền với thực tế rằng nếu chúng ta không hành động để tiến về phía trước, EU có thể phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động khó lường", bà Metsola nêu rõ. Đồng quan điểm với bà Metsola, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với tư cách là Chủ tịch luân phiên EU và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định, ba cơ quan thuộc EU là EP, Hội đồng châu Âu và EC sẽ phải xem xét cách thức thực hiện hiệu quả nhất những đề xuất nêu trên và một sự kiện sẽ được tổ chức vào mùa thu tới để thông báo cho công dân của khối các hướng thực hiện mà EU áp dụng nhằm tuân thủ cam kết cải cách.

Thách thức hiện hữu

Châu Âu là một khối gồm 27 quốc gia thành viên với trình độ phát triển kinh tế, điều kiện văn hoá - xã hội rất khác biệt.Để có được một EU như hiện nay, khối đã phải trải qua một quá trình hội nhập kéo dài nhiều thập kỷ, với các quy tắc bài bản.Vì vậy, để cải cách dù chỉ là vấn đề nhỏ nhất thì EU cũng sẽ tốn không ít thời gian. The Guardian dẫn lời các chuyên gia phân tích chính trị thế giới nhận định, dù giới lãnh đạo EU tán dương kết quả hội nghị, nhưng các đề xuất lại không có ràng buộc pháp lý. Do đó, hội nghị này có thể coi là một cuộc diễn tập có sự tham gia của người dân châu Âu và cho phép họ thể hiện bản thân về những gì họ mong đợi từ EU.

Tờ này viện dẫn các đề xuất kêu gọi EU loại bỏ nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối trong các quyết định về chính sách đối ngoại và an ninh, thuế, tài chính, một số lĩnh vực tư pháp và nội vụ, an sinh xã hội... Theo đó, nguyên tắc này thường bị chỉ trích là làm chậm, hoặc cản trở sự phát triển của EU. Nếu bỏ quyền phủ quyết, EU sẽ chỉ cần 15/27 nước thành viên (tương đương 65% dân số của khối) ủng hộ để thông qua quyết định quan trọng. Những thay đổi như vậy đòi hỏi phải sửa đổi các hiệp ước của EU và là một quá trình lâu dài.

Đề xuất trên hiện đang vấp phải sự phản đối của 1/3 các thành viên EU, bao gồm Bulgaria, Cộng hoà Czech, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Lithuania, Malta, Slovenia và Thụy Điển. Họ cho rằng trong bối cảnh khối đang phải đối mặt với các tác động kinh tế hậu đại dịch COVID-19, cuộc xung đột tại Ukraine và biến đổi khí hậu, thì quá trình thay đổi hiệp ước kéo dài như hiện nay sẽ chỉ lấy đi nguồn lực giải quyết các vấn đề cấp bách hơn và dẫn đến sự chia rẽ mới.

Tuy nhiên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trước đó từng nhiều lần cho rằng việc bỏ phiếu nhằm đạt được sự đồng thuận tuyệt đối về các chính sách quan trọng sẽ không mang lại hiệu quả, nếu như EU muốn đẩy nhanh việc đưa ra quyết định. Bà von der Leyen nhấn mạnh: "EU nên đóng vai trò lớn hơn trong một số lĩnh vực như y tế, hoặc quốc phòng. Tôi ủng hộ việc thay đổi hiệp ước của EU khi cần thiết để đáp ứng các nguyện vọng của người dân về tương lai của khối".Tóm lại, các cuộc khủng hoảng mà EU đã và đang phải đối mặt sẽ buộc khối này phải đi nhanh hơn nhưng kết quả ra sao thì cần thời gian trả lời.

Linh Đan (tổng hợp)
.
.
.