Chính trường Mỹ "dậy sóng"

Thứ Năm, 05/10/2023, 07:40

Sự kiện Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị miễn nhiệm sau cuộc bỏ phiếu chưa từng có trong lịch sử được dự báo sẽ mở ra giai đoạn sóng gió mới trên chính trường Mỹ khi cơ quan này chỉ còn hơn 40 ngày nữa để thỏa hiệp về một dự luật ngân sách mới nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Lần đầu tiên trong lịch sử 234 năm hoạt động, ngày 3/10 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện đối với ông Kein McCarthy với 216 phiếu thuận /210 phiếu chống, bao gồm 8 phiếu thuận đến từ đảng Cộng hòa, nơi ông McCarthy là thành viên. Cuộc bỏ phiếu nêu trên được tiến hành theo đề xuất của một nhóm hạ nghị sĩ bảo thủ đảng Cộng hòa, do ông Matt Gaetz dẫn đầu. Với 269 ngày nắm quyền, ông McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thời gian đương nhiệm ngắn nhất trong hơn 100 năm qua và ngắn thứ ba lịch sử Mỹ.

Sóng gió với ông McCarthy nổi lên khi các nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ tại Hạ viện nổi giận vì ông ủng hộ dự luật cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ đến ngày 17/11, tránh nguy cơ chính phủ của Tổng thống Joe Biden phải đóng cửa sau ngày 30/9. Dự luật ngân sách luôn là công cụ được phe Dân chủ hoặc Cộng hòa sử dụng để gây sức ép lên Chính phủ Mỹ trong trường hợp Tổng thống là người của đảng còn lại. Nhóm nghị sĩ do ông Gaetz dẫn đầu còn bất bình bởi dự luật thông qua không bao gồm các điều khoản về cắt giảm chi tiêu liên bang hay an ninh biên giới. Họ cũng cho rằng, ông McCarthy đã "qua mặt" khi bí mật thỏa thuận với các thành viên của đảng Dân chủ về việc không đưa điều khoản liên quan đến viện trợ cho Ukraine vào dự luật.

Chính trường Mỹ
Ông McCarthy trong vòng vây của báo giới sau khi rời văn phòng tại tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 3/10. Ảnh: GettyImages

Ở chiều ngược lại, McCarthy và những người ủng hộ khẳng định ông đã thành công trong việc hạn chế chi tiêu công, thúc đẩy những ưu tiên khác ngay cả khi đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng và Thượng viện. "Tôi không hối hận vì đã đàm phán. Chính quyền của chúng ta được thiết kế để tìm kiếm sự thỏa hiệp", ông McCarthy nêu quan điểm. Về lý thuyết, ông McCarthy có thể trở lại "ghế nóng" nếu tiếp tục được đề cử và vượt qua vòng bỏ phiếu tại Hạ viện. Tuy nhiên, vị này xác nhận mình sẽ không chạy đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện nữa. Hồi đầu năm 2023, ông McCarthy chỉ có thể nhậm chức sau 15 vòng bỏ phiếu, với nhượng bộ là thay đổi quy tắc để cho phép bất cứ hạ nghị sĩ nào cũng được kêu gọi bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện.

Từ Nhà Trắng, Thư ký báo chí Karine Jean-Pierre cùng ngày cho biết, Tổng thống Joe Biden hy vọng Hạ viện sẽ nhanh chóng bầu ra lãnh đạo mới trong bối cảnh nước Mỹ "đang đối mặt với những thách thức cấp bách", khẳng định ông Biden sẵn sàng làm việc với các thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Theo New York Times, phe Cộng hòa hiện chưa công bố ứng viên Chủ tịch Hạ viện mới và các cuộc bỏ phiếu bầu tân lãnh đạo Hạ viện sẽ diễn ra tuần sau. Nghị sĩ Patrick McHenry của bang North Corolina đã được giao nắm quyền Chủ tịch Hạ viện. Một số ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa được truyền thông Mỹ nhắc tên gồm ông Steve Scalise, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện, vị trí được mô tả là cao thứ hai tại Hạ viện Mỹ; ông Tom Emmer, người dẫn đầu chiến dịch của đảng Cộng hòa giành lại thế đa số trong Hạ viện tại cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022; hay ông Byron Donalds, ngôi sao đang lên trong đảng Cộng hòa và từng giành 20 phiếu bầu trong cuộc đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện hồi đầu năm 2023. Đảng Dân chủ cũng có kế hoạch đề cử thành viên của mình là ông Hakeem Jeffries làm Chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, kế hoạch này gần như không thể xảy ra do đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện.

Trong lịch sử, Hạ viện Mỹ thường bầu một hạ nghị sĩ làm Chủ tịch, dù Hiến pháp Mỹ không bắt buộc Chủ tịch Hạ viện phải là một hạ nghị sĩ đang đương chức. Reuters cho biết, một số đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump đã gợi ý về khả năng ông đảm nhận chức vụ này, dù ông Trump đang trong giai đoạn tranh cử Tổng thống và từng tuyên bố rằng ông không muốn nắm giữ vị trí đó.

Giới quan sát nhận định, việc ông McCarthy bị miễn nhiệm sẽ khiến các nỗ lực thông qua dự luật của Hạ viện Mỹ gặp khó khăn hơn nhiều nếu không nói là bị đình trệ, nhất là khi cơ quan này chỉ còn hơn 40 ngày nữa để thỏa hiệp về một dự luật ngân sách mới nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa. Các bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ xung quanh dự luật ngân sách chưa được giải quyết, nhất là xung quanh vấn đề hỗ trợ Ukraine, và việc tìm kiếm nhượng bộ có thể sẽ khó khăn hơn sau sự kiện ông McCarthy mất chức. Trong trường hợp viễn cảnh Chính phủ Mỹ đóng cửa một lần nữa xảy ra, đông đảo nhân viên liên bang phải nghỉ làm ở nhà, trong khi hơn 2 triệu quân nhân tại ngũ và quân dự bị sẽ phải làm việc không lương. Ngoài ra, nhiều chương trình và dịch vụ của chính phủ cũng bị gián đoạn. Đó là một kịch bản mang màu sắc hỗn loạn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

Thái Hà
.
.
.