Châu Âu cấp tập ứng phó những “vị khách không mời”

Thứ Ba, 19/09/2023, 05:19

Hàng ngàn người từ các nước châu Phi bất chấp nguy hiểm vượt Địa Trung Hải trên những con thuyền thô sơ với hi vọng tìm thấy tương lai tươi sáng ở châu Âu, dấy lên lo ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng di cư mới trong bối cảnh “lục địa già” vất vả ứng phó với tác động của xung đột Ukraine.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cùng làn sóng bất ổn chính trị lan rộng ở châu Phi khiến số lượng người dân tìm cách di cư sang các nước Liên minh châu Âu (EU) gia tăng đáng kể thời gian vừa qua. Reuters ngày 18/9 dẫn số liệu của nhà chức trách Italia xác nhận, hơn 126.000 người di cư đã tiến vào biên giới nước này tính từ đầu năm 2023, gấp đôi con số được ghi nhận cùng kỳ năm 2022.

Hòn đảo nhỏ Lampedusa của Italia trên Địa Trung Hải gần đây trở thành “điểm nóng” khi phải tiếp nhận hàng trăm con thuyền chật ních người di cư châu Phi, bao gồm 7.000 người trên 122 thuyền chỉ trong tuần vừa qua, nhiều hơn dân số thường trú trên đảo. Hầu hết họ xuất phát từ Tunisia, quốc gia đang thế chân Libya trở thành điểm khởi hành chính của người di cư châu Phi, bất chấp thỏa thuận mà quốc gia Bắc Phi này đạt được với EU.

230915111358-01-italy-lampedusa.jpg -0
Hàng trăm người di cư châu Phi chờ trung chuyển từ Lampedusa đến trại tị nạn ở đảo Sicily của Italia. Ảnh: CNN

Là nước tuyến đầu tiếp nhận người di cư của EU, Italia chịu nhiều áp lực nhất và trông đợi một giải pháp tập thể để xử lý vấn đề. Hòn đảo Lampedusa chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 400 người di cư, thì nay đang phải chật vật giải quyết nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho hàng ngàn “vị khách không mời” trước khi họ được chuyển đến các trại tị nạn khác ở Italia.

Trong chuyến thăm cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đến đảo Lampedusa hôm 17/9, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni kêu gọi EU phối hợp để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát và tìm cách trục xuất những người không đủ tiêu chuẩn cấp quy chế tị nạn. “Đây là biên giới của Italia, nhưng cũng là biên giới của toàn thể châu Âu”, bà Meloni cảnh báo. “Nếu chúng ta không hợp tác nghiêm túc chống lại tình trạng di cư trái phép, số người di cư sẽ không chỉ áp đảo tại các nước tuyến đầu mà sẽ tràn ngập cả các quốc gia khác”.

Chủ tịch EC von der Layen thừa nhận: “Di cư bất thường là một thách thức của châu Âu và nó cần một câu trả lời chung của châu Âu”. Bà kêu gọi các thành viên EU “tự nguyện” tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italy. Tuy nhiên, đã có những bất đồng nổ ra khi Đức hồi tuần trước dừng thỏa thuận tự nguyện tiếp nhận người di cư từ Italy với lí do “áp lực cao”.

Hôm 16/9, giới chức Đức xác nhận họ vừa đảo ngược quyết định, hứa sẽ tiếp tục tiếp nhận người di cư từ Italia, nhưng chưa rõ hạn mức, động thái cho thấy có thể còn nhiều quốc gia EU khác đang lưỡng lự. Ngay lúc này, một loạt nước EU, nhất là nhóm ở Đông Âu, đang cố gắng xoay xở để giải quyết hàng triệu người di cư tới từ Ukraine sau khi xung đột nổ ra năm ngoái.

Vẫn trong tuyên bố mới nhất, bà von der Layen khẳng định sẽ đấu tranh với những kẻ đưa người di cư trái phép từ châu Phi. “Chúng tôi mới là người quyết định ai sẽ đến EU và trong hoàn cảnh nào, không phải những kẻ buôn người”, bà nêu rõ. Vị quan chức hàng đầu của EU công bố gói giải pháp 10 điểm, bao gồm các biện pháp trợ giúp Italia xử lý những người di cư mới đến; tìm cách cải thiện hợp tác với nhà chức trách các nước châu Phi như Guinea, Bờ Biển Ngà, Senegal hay Burkina Faso với hi vọng họ có thể tiếp nhận trở lại người di cư; và thảo luận về “phương án mở rộng các sứ mệnh hải quân trên Địa Trung Hải” nhằm ngăn chặn những con thuyền đưa người vượt biên. Lãnh đạo EC nhấn mạnh thêm, EU cần hợp tác chặt chẽ hơn với Tunisia, quốc gia sẽ nhận được nguồn tài trợ của khối nhằm ngăn người di cư từ khi họ chuẩn bị khởi hành.

Hồi tháng 7/2023, EU và Tunisia đã đạt thỏa thuận nhằm kiềm chế dòng người di cư xuất phát từ Bắc Phi, nhưng đến nay chưa mang lại hiệu quả khi số lượng người di cư có dấu hiệu tăng lên. Theo Euronews, tại một phiên họp hồi tuần trước, các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) đã tranh cãi khá gay gắt về thỏa thuận EU-Tunisia, dấy lên lo ngại về nguy cơ EU khó đạt các thỏa thuận tương tự với các nước châu Phi nhằm hạn chế dòng người di cư.

Trong khi EU còn loay hoay, hàng ngàn người từ các nước châu Phi bất ổn được cho là đang chuẩn bị hoặc bất chấp nguy hiểm lênh đênh trên những con thuyền thô sơ tìm vận may đến các nước châu Âu phát triển. Số liệu của nhà chức trách châu Âu cho thấy, từ đầu năm 2023, hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong các vụ lật thuyền trên Địa Trung Hải, trong khi hàng chục ngàn người khác mắc kẹt trong các trại tị nạn với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Mới tuần trước, một con thuyền chở 45 người di cư đã chìm ngoài khơi Lampedusa, khiến 41 người chết.

Các nhà quan sát nhận định, bên cạnh các giải pháp ngăn chặn nạn buôn người và triển khai lực lượng trên biển ngăn di cư trái phép, giải pháp dài hơi để giải quyết vấn nạn người di cư là châu Âu cần đóng vai trò lớn hơn nữa trong nỗ lực trợ giúp các nước châu Phi phát triển kinh tế-xã hội ổn định hơn, khôi phục niềm tin vào tương lai tươi sáng ở quê nhà.

Thái Hà
.
.
.