Bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại sốt rét trên thế giới

Thứ Sáu, 08/10/2021, 07:55

Các chuyên gia y tế thế giới nhận định rằng loại vaccine ngừa sốt rét được cấp phép duy nhất cho đến nay dù không hoàn hảo nhưng là “bước đột phá về khoa học” giúp cứu sống nhiều người khỏi căn bệnh cướp đi 500.000 sinh mạng mỗi năm, trong đó có rất nhiều trẻ em ở châu Phi. 

Tờ New York Times đưa tin, thế giới đã có được một vũ khí mới trong cuộc chiến chống lại sốt rét, căn bệnh lây nhiễm được biết đến lâu đời và chết chóc hàng đầu, đó là vaccine “Mosquirix”, được phát triển bởi hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh. Vaccine này ban đầu không phải chỉ dành cho sốt rét mà được phát triển để ngừa các bệnh do ký sinh trùng, được coi là phức tạp hơn nhiều so với các bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra.

Vaccine giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của người tiêm nói chung và trẻ em nói riêng nhằm ngăn chặn Plasmodium falciparum, một trong những tác nhân gây bệnh sốt rét nguy hiểm và phổ biến nhất ở châu Phi. Trong các thử nghiệm lâm sàng, vaccine này có hiệu quả khoảng 50% chống lại biến chứng ác tính trong năm đầu tiên, tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống gần bằng không trong năm thứ 4 sau tiêm. Hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa các trường hợp sốt rét ác tính ở trẻ em chỉ đạt khoảng 30%, nhưng đây là loại vaccine duy nhất được chấp thuận cho đến nay. Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu đã phê duyệt loại vaccine này vào năm 2015, nhận định rằng lợi ích của vaccine nhiều hơn rủi ro.

Bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại sốt rét trên thế giới -0
Tuyên truyền về vaccine ngừa sốt rét tại một trạm y tế ở Cape Coast, Ghana. Ảnh Getty Images

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho biết vaccine này, dù với hiệu quả khiêm tốn, nhưng là bước phát triển lớn trong cuộc chiến chống lại sốt rét. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/10 nhận định, loại vaccine này sẽ được tiêm rộng rãi tại châu Phi, đặc biệt là cho trẻ em, giúp tạo ra một bước tiến lớn chống lại căn bệnh này. “Loại vaccine ngừa sốt rét được chờ đợi từ lâu này là một bước đột phá của khoa học. Đây là loại vaccine được các nhà khoa học châu Phi phát triển ở châu Phi và chúng tôi rất tự hào”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. Ông nói thêm rằng sử dụng vaccine kết hợp cùng với các biện pháp hiện có để ngăn ngừa bệnh sốt rét có thể cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm. Giáo sư Pedro Alonso, Giám đốc chương trình chống sốt rét toàn cầu của WHO, nhận định việc có được một loại vaccine ngừa sốt rét an toàn, hiệu quả trung bình và sẵn sàng để phân phối là “một sự kiện lịch sử”.

Kể từ năm 2019, 2,3 triệu liều Mosquirix đã được sử dụng để tiêm cho trẻ sơ sinh ở Ghana, Kenya và Malawi trong một chương trình thử nghiệm quy mô lớn do WHO điều phối. Chương trình này được thực hiện sau một loạt thử nghiệm kéo dài cả thập kỷ ở 7 nước châu Phi.

Một vấn đề mà các chuyên gia quan tâm hiện nay là huy động tài chính để sản xuất và phân phối vaccine cho những quốc gia nghèo nhất thế giới. Đến nay, GSK đã cam kết sản xuất 15 triệu liều Mosquirix mỗi năm, bên cạnh 10 triệu liều tài trợ cho các chương trình thí điểm của WHO, cho đến năm 2028. Theo nghiên cứu của WHO, nhu cầu vaccine ngừa sốt rét sẽ là khoảng từ 50 đến 110 triệu liều mỗi năm vào năm 2030, Al Jazeera đưa tin. 

Liên minh vaccine toàn cầu GAVI được cho là sẽ cân nhắc một khoản đầu tư lớn cho vaccine ngừa sốt rét. Nếu vaccine này được hội đồng quản trị của GAVI chấp thuận, tổ chức này sẽ mua vaccine cho những nước có nhu cầu, một quá trình dự kiến sẽ mất ít nhất một năm. Tuy vậy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và ưu tiên hiện nay đang dành cho sản xuất vaccine ứng phó đại dịch, việc sản xuất và cung ứng vaccine ngừa sốt rét sẽ gặp không ít trở ngại.

Sốt rét cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người mỗi năm, trong đó chủ yếu là những người sống ở khu vực cận Sahara của châu Phi, bao gồm 260.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là căn bệnh gây chết người ở châu Phi nhiều hơn cả COVID-19. Ít nhất 386.000 người châu Phi đã thiệt mạng vì sốt rét vào năm 2019, theo ước tính của WHO, so với khoảng 212.000 trường hợp tử vong được xác nhận do COVID-19 trong 18 tháng qua. Trong khi đó, căn bệnh này lại hiếm gặp ở các nước phát triển. Ở Mỹ, mỗi năm chỉ ghi nhận khoảng 2.000 ca, phần lớn người nhiễm là du khách trở về từ các nước có dịch.

Tiến Dũng
.
.
.