Biển Đỏ “dậy sóng”

Thứ Bảy, 13/01/2024, 07:48

Tình hình an ninh tại Biển Đỏ đang trong tình trạng báo động đỏ sau những cuộc không kích quy mô lớn của Mỹ và đồng minh nhằm vào các cơ sở mà Houthi sử dụng ở Yemen. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, động thái này là để đáp trả trực tiếp các cuộc tấn công của lực lượng này nhằm vào các tàu thương mại trên vùng biển này.

Có nhiều lựa chọn ngoài giải pháp quân sự

Quân đội Mỹ và Anh, với sự hỗ trợ của Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan, ngày 11/1 (giờ địa phương) đã tiến hành không kích hơn 10 địa điểm của lực lượng Houthi tại Yemen trong một cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn bằng tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến và các chiến đấu cơ. Mục tiêu của cuộc không kích này gồm các trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi.

Động thái này diễn ra chỉ một tuần sau khi Nhà Trắng và một loạt quốc gia đối tác đưa ra cảnh báo cuối cùng, trong đó yêu cầu Houthi ngừng các cuộc tấn công hoặc sẽ phải hứng chịu các phản ứng quân sự tiềm tàng. Ban đầu, cảnh báo này phát huy tác dụng trong ngắn hạn khi các cuộc tấn công đã dừng lại trong một vài ngày. Tuy nhiên, ngày 9/1 vừa qua, Houthi đã tiến hành cuộc không kích lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ. Phía Mỹ và Anh đã đáp trả bằng cách bắn hạ 18 máy bay không người lái, 2 tên lửa hành trình và một tên lửa chống hạm.

biendo.jpg -0
Trực thăng của lực lượng Houthi bay phía trên một tàu chở hàng ở Biển Đỏ ngày 20/11/2023.
Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích  các cuộc tấn công của Houthi gây nguy hiểm cho thương mại cũng như tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, đồng thời khẳng định “sẽ không ngần ngại” ra lệnh tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự khác nếu cần thiết để bảo vệ người dân và dòng chảy thương mại.

Trong khi đó, một quan chức của Mỹ khẳng định Washington không có ý định khiến căng thẳng tại Trung Đông leo thang sau những vụ không kích trên, nhấn mạnh các cuộc tấn công nhằm làm suy giảm năng lực của Houthi trong việc thực hiện các vụ tấn công các tàu thương mại ở phía Nam Biển Đỏ, mà không nhắm mục tiêu vào các khu dân cư ở Yemen.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh cuộc không kích nhằm vào các cơ sở của Houthi tại Yemen là “cần thiết và phù hợp”. Ông chỉ trích các vụ tấn công của Houthi nhằm vào tàu thương mại quốc tế trên Biển Đỏ, cho rằng hành động này khiến giá cả hàng hóa leo thang cũng như đe dọa tự do hàng hải. Nhà lãnh đạo này đồng thời khẳng định Anh sẽ luôn bảo vệ tự do hàng hải và dòng chảy tự do thương mại. Cùng ngày, Nhật Bản và Australia cũng lên tiếng ủng hộ chiến dịch không kích của Mỹ và Anh nhằm vào lực lượng Houthi.

Trước bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 12/1 ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đỏ. Tuyên bố nêu rõ Riyadh đang theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định trên Biển Đỏ, cũng như đảm bảo tự do hàng hải đáp ứng nhu cầu quốc tế.

Cùng ngày, Nga đã lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công của Mỹ và Anh, cho rằng đây là hành động coi thường luật pháp quốc tế, làm leo thang những căng thẳng ở Trung Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về vấn đề. Trong khi đó, Cố vấn của Thủ tướng Iraq Fadi Al-Shammari cũng cho rằng, phương Tây đang mở rộng xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và Hamas, đồng thời làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Về phía giới chuyên gia, nhấn mạnh Mỹ đang đi theo hướng nguy hiểm ở Trung Đông khi tấn công Houthi, Giám đốc điều hành Gulf State Analytics - một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị ở Mỹ - Giorgio Cafiero bình luận rằng, Washington có các lựa chọn khác ngoài việc tấn công quân sự vào lực lượng Houthi ở Yemen.

Ông nói: “Một trong số đó là sử dụng đòn bẩy mà Mỹ có đối với Israel để buộc Israel tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Gaza. Vì lý do chính trị, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chọn không làm như vậy. Đội ngũ của ông lại đang đối phó với các hoạt động của Houthi ở Biển Đỏ thông qua dẫn đầu liên minh để tấn công quân sự các mục tiêu của Houthi”. Theo vị chuyên gia, động thái tấn công Houthi ở Yemen có khả năng kéo Mỹ vào một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông.

Các giải pháp lâu dài là rất cần thiết

Lo ngại trước nguy cơ bị tấn công, nhiều hãng vận tải biển lớn nhất thế giới có trụ sở tại châu Âu và châu Á đã phải ngừng hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ và chuyển hướng tàu. Tuyến đường thay thế được các hãng lựa chọn là đi qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Tuy nhiên, theo tập đoàn ING của Hà Lan, việc định tuyến lại qua Mũi Hảo Vọng sẽ tăng thêm khoảng 3.000 - 3.500 hải lý (6.000km), cộng thêm khoảng 10 ngày di chuyển cho hành trình kết nối châu Âu với châu Á. Thời gian vận chuyển kéo dài hơn còn có thể có tác động dây chuyền đến thời gian xử lý hàng tại các cảng ở Anh và các trung tâm lớn ở châu Âu.

Hơn nữa, việc chuyển hướng tàu dự kiến tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi. Chi phí bảo hiểm cũng tăng lên, qua đó làm tăng chi phí tổng của chuyến hàng. Phí bảo hiểm tăng và chi phí định tuyến lại sẽ tác động chậm nhưng đều đặn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Theo Flexport, một nền tảng vận chuyển toàn cầu, giá cước từ châu Á đến Bắc Mỹ đã tăng 75% trong tháng qua, và sẽ tăng từ 50% đến 100% trong nửa cuối tháng 1 này.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng, những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm vào lạm phát. Nếu các cuộc tấn công trên Biển Đỏ kéo dài và gia tăng, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ lại phải đau đầu trước nguy cơ giá cả tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng, đe dọa tới nền kinh tế vừa phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh tuyến vận tải đường biển có nhiều bất ổn, hiện có một lựa chọn thay thế khác đang nổi lên là sử dụng tuyến đường sắt từ Tây Trung Quốc đến Đông Âu. Đây được xem là một lựa chọn bền vững và khả thi cho một số chuyến hàng nhất định.

Do đó, để giải quyết những thách thức nhiều mặt do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đặt ra, các giải pháp lâu dài là rất cần thiết. Với một số doanh nghiệp, những gián đoạn này nêu bật sự cần thiết phải chuyển đổi vĩnh viễn chuỗi cung ứng, giảm bớt sự phụ thuộc vào những nhà cung ứng ở xa. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ trở thành một chiến lược quan trọng, giảm thiểu khả năng bị tổn thương trước những gián đoạn. Ngoài ra, sự phát triển của các trung tâm khu vực đang nổi lên như một giải pháp thay thế cho việc chỉ dựa vào các thị trường lớn. Ngoài việc giải quyết các mối quan ngại an ninh trước mắt, cộng đồng quốc tế phải tập trung vào thúc đẩy phát triển khu vực và tạo ra các hệ thống cung ứng toàn cầu linh hoạt hơn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.