Ẩn ý của Nhật Bản khi tổ chức thượng đỉnh G7 tại Hiroshima

Thứ Sáu, 19/05/2023, 12:16

Với việc hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra tại thành phố Hiroshima, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tinh tế khẳng định mục tiêu chính trị về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sáng 19/5 đã đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 chính thức khai mạc.

Chuyến thăm của các nhà lãnh đạo G7 tới bảo tàng tưởng niệm này có ý nghĩa đặc biệt, khi đây là nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người.

Ẩn ý của Nhật Bản khi tổ chức thượng đỉnh G7 tại Hiroshima -0
Các nhà lãnh đạo G7 đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ảnh: Reuters

Ở trung tâm thành phố Hiroshima, Mái vòm bom nguyên tử đứng sừng sững như lời nhắc nhở về sức hủy diệt và tổn hại mãi mãi mà vũ khí hạt nhân gây ra. Đó cũng là lý do mà Hiroshima, chứ không phải Tokyo hay bất kỳ thành phố nào của Nhật Bản, được lựa chọn cho thượng đỉnh G7 năm nay.

Trước thềm hội nghị, 80% nạn nhân sống sót sau hai vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945 đã ủng hộ ý tưởng chọn Hiroshima là nơi tổ chức hội nghị. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố bị ném bom nguyên tử đăng cai sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của G7.

Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng cho biết Hiroshima được lựa chọn nhằm tập trung sự chú ý của thượng đỉnh vào vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, và rằng các nhà lãnh đạo G7 cần chứng kiến tận mắt hậu quả của việc sử dụng bom nguyên tử.

Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản tại hội nghị, nhằm "xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân", với nền tảng của các nỗ lực chung là sự tin tưởng lẫn nhau và sự minh bạch của các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Tôi tin rằng bước đầu tiên hướng tới bất kỳ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân nào là cung cấp trải nghiệm trực tiếp về hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử và truyền đạt thực tế một cách chắc chắn", ông Kishida chia sẻ.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng vừa kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 ra tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân “trong bất kỳ trường hợp nào”.

“Đây là thời điểm mà chúng ta phải nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc khôi phục giải trừ quân bị, và đặc biệt là giải trừ hạt nhân", Tổng thư ký chia sẻ trước chuyến thăm của ông tới Hiroshima.

Nhật Bản cũng kỳ vọng lãnh đạo các nước G7 sẽ thảo luận sâu hơn để gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng họ sẽ thúc đẩy những nỗ lực thiết thực để đưa G7 từ “thực tế” của môi trường an ninh khắc nghiệt đến “lý tưởng” về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

An Nhiên
.
.
.