Tái cấu trúc ngân hàng, đảm bảo an ninh tiền tệ

Chủ Nhật, 24/01/2016, 07:27
Chốt lại năm bản lề 2015-năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), nền kinh tế Việt Nam đã trở thành điểm sáng hiếm hoi trong bản đồ những nền kinh tế mới nổi. Trong thành tựu đó, có đóng góp nổi bật của ngành Ngân hàng với việc quyết liệt tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Năm 2011, kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng đứng trước vô vàn gian nan, thử thách do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất cập nội tại nền kinh tế: lạm phát tăng cao (18,13%); lãi suất cho vay lên tới 20 – 25%. Quy mô của nhiều ngân hàng còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23-50%/năm, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn. Một lượng lớn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thiếu hụt nghiêm trọng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, tỷ giá và thị trường vàng, ngoại hối thường xuyên biến động tăng cao, ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa” cao, tâm lý găm giữ ngoại tệ phổ biến, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, nợ xấu tăng cao trong toàn hệ thống…

Từ việc điều hành linh hoạt lãi suất đã giúp tăng trưởng tín dụng khá tốt trong thời gian qua.

Đứng trước thực trạng đó, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, phát huy sự chủ động, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. 

Kết quả, trong 5 năm qua, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành tựu nổi bật: thị trường tiền tệ dần ổn định và ngày càng được củng cố vững chắc. Chính sách tiền tệ được điều hành vừa linh hoạt vừa có tác động định hướng dẫn dắt kinh tế vĩ mô đi vào ổn định và giảm thiểu tác động bất lợi của các cú sốc từ thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế và khu vực. Thanh khoản của nền kinh tế và của hệ thống ngân hàng ngày càng được cải thiện. Mặt bằng lãi suất giảm mạnh qua các năm, được cho là giai đoạn có mức lãi suất thấp và ổn định nhất.

Từ việc điều hành linh hoạt lãi suất đã giúp tăng trưởng tín dụng khá tốt trong thời gian qua. ảnh: Hoàng Hùng

Tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng và hiệu quả, giai đoạn 2011-2014, tín dụng tăng bình quân khoảng 12,6%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 33,3%/năm của giai đoạn 2006 – 2010. Năm 2015, tín dụng đạt khoảng 18%. Dòng vốn tín dụng tiếp tục được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. 

Thanh khoản tiền đồng của hệ thống các TCTD tiếp tục được bảo đảm và có dư thừa, sẵn sàng đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, thị trường tiền tệ ổn định, thông suốt nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cung ứng tiền, phối hợp công cụ hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, các TCTD tăng cường xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tài sản, chú trọng hơn trong quản trị rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hệ thống... Khoảng 99,6% nợ xấu của các TCTD ước tính đến thời điểm cuối tháng 9-2012 đã được xử lý, và chất lượng tín dụng được cải thiện. Đến 30-11, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra là 3%. Nợ xấu của các TCTD đã minh bạch hơn. “Tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn năm trước, hỗ trợ đắc lực cho việc đạt tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu của cả năm 2015 - là năm then chốt trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng”, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN khẳng định. 

Đáng chú ý, tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng và xử lý nợ xấu là điểm sáng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Sau bốn năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, sự an toàn và ổn định của hệ thống đã được duy trì, cải thiện cơ bản. Các ngân hàng thương mại yếu kém đã được giảm dần, kiểm soát tình hình hoạt động theo hướng cải thiện hơn. Kết quả cơ cấu lại các TCTD đạt được rõ nét đã ổn định tâm lý người gửi tiền, nhà đầu tư. Tỷ giá và thị trường tiền tệ tiếp tục được ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời… Hoạt động thanh toán có bước phát triển đột phá. Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng được đẩy mạnh. Hiệu lực, hiệu quả các mặt hoạt động hỗ trợ được nâng lên rõ rệt. Thị trường và xã hội ngày càng tin tưởng vào việc điều hành chính sách tiền tệ, giá trị và vị thế của đồng Việt Nam được củng cố và nâng cao… 

Những thành tựu trên đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cử tri cả nước ghi nhận và đánh giá cao; góp phần đáng kể vào bước ngoặt thành công của Việt Nam khi đồng loạt được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới đã nâng hạng Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, qua đó nâng cao uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Phát biểu tổng kết và triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, qua tổng kết, những vấn đề mục tiêu hoạch định từ đầu nhiệm kỳ đều được NHNN kiên trì triển khai một cách bài bản, với lộ trình phù hợp đến nay đều đạt được kết quả tốt, tác động tích cực cho phát triển kinh tế xã hội nước ta thời gian qua.

Nhóm PV
.
.
.