Dự thảo Luật Hình sự về tội phạm ngân hàng chưa đủ sức răn đe

Thứ Tư, 30/09/2015, 17:08
Đây là một trong những góp ý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào dự thảo Bộ Luật Hình sự (BLHS) sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào tháng 10 này.

Nên bỏ tội “cho vay nặng lãi”?

Theo Luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH, có đến hơn 70% tội phạm kinh tế liên quan đến NH. Với tội “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 BLHS 1999), rất nhiều trường hợp cán bộ nhân viên NH bị khởi tố nhưng 3 ngày sau, NH đã thu hồi được tài sản, không còn hậu quả nhưng vẫn có tội, vẫn bị đưa ra xét xử.

Theo LS Đức, khi đã khắc phục hậu quả cần phải loại bỏ, miễn hình phạt đối với người vi phạm. Vì vậy, LS Đức bày tỏ sự hoan nghênh tinh thần đổi mới của Dự thảo, trong đó bỏ nhiều tội danh không còn phù hợp.

Đáng chú ý, trong phần góp ý của mình, LS Trương Thanh Đức cho rằng không nên duy trì tội “cho vay nặng lãi” trong BLHS mới. Ông Đức phân tích: lãi suất cho vay là một loại giá cả hàng hóa, dịch vụ được tự do kinh doanh và do thị trường quyết định. Lãi suất cao hay thấp là do hai bên thỏa thuận tự nguyện, thuận mua, vừa bán. Vì vậy, không có lý do gì để duy trì tội phạm này trong BLHS. Chỉ khi nào cho vay trái luật, cùng với các yếu tố lừa đảo, gian dối, cưỡng bức, ép buộc, bóc lột… thì mới cần thiết xử tội. Ngoài ra, cũng nên bỏ tội đầu cơ, còn tội lập quỹ trái phép chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước…

Từ phía cơ quan quản lý, đại diện NHNN dẫn quy định tại Điều 210 trong Dự thảo BLHS: “Người nào trong hoạt động NH mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.

NHNN cho rằng, việc hình sự hóa trong lĩnh vực NH làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân.

Góp ý về quy định này, NHNN đề nghị phải quy định rõ “hậu quả nghiêm trọng” ở mức phù hợp, đảm bảo ranh giới rõ ràng giữa chế tài xử lý hành chính và hình sự đối với cùng một hành vi vi phạm. Đáng chú ý, cơ quan này cho rằng mức phạt tiền từ 50-500 triệu đồng thoạt nhìn có vẻ “to”, nhưng đối với các nhà băng, thì con số này vẫn nhỏ. Bởi vậy, NHNN đề nghị nâng cao mức xử phạt lên để đảm bảo tính răn đe. “Mức phạt tiền tối thiểu trong hình sự phải cao hơn mức phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính”, NHNN nhấn mạnh.

Còn bà Trần Hồng Hạnh, Tổng Thư ký VNBA cho rằng khung hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 7 năm là khoảng cách khá xa, dễ dẫn đến rủi ro, tham nhũng. 

Nguy cơ hình sự hóa lĩnh vực ngân hàng

Tại báo cáo giải trình chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “Theo NHNN, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, NH còn chưa rõ ràng, đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ.

Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí. Đặc biệt, NHNN cho rằng, việc hình sự hóa trong lĩnh vực NH làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại. Phương châm của NH là không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Qua thanh tra, kiểm tra chúng tôi muốn phát hiện sai phạm và tạo điều kiện cho các bên khắc phục. Đến khi không khắc phục được thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, kể cả là biện pháp hình sự”

Vấn đề này một lần nữa được bà Nguyễn Thị Hương, Vụ Pháp chế (NHNN) đưa ra tại Hội thảo góp ý. Bà Hương cho rằng cần bỏ điểm e Khoản 1- Điều 210 về “Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động NH”.

Hiện nay, Dự thảo BLHS đã không quy định về tội phạm: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, do sự không rõ ràng, nhiều bất cập của cách xác định tội phạm. Với các cấu thành tội phạm không rõ ràng, chung chung như quy định tại điểm e khoản 1 Điều 210 dự thảo BLHS sẽ dẫn đến tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế; dễ “hình sự hóa” cả những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động NH, nhưng mức độ nghiêm trọng không cao, không đến mức xử lý hình sự.

Việc quy định chung chung như vậy sẽ tạo ra “khoảng trống” pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, khiến cán bộ NH có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngay cả sai phạm nhỏ. Việc hình sự hóa các quan hệ này sẽ để lại các hậu quả nghiêm trọng đối với không chỉ cá nhân người bị xử lý hình sự mà ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và đời sống xã hội của đất nước.

“Thứ nhất, việc hình sự hóa quan hệ cho vay khiến các cán bộ NH e ngại khi mở rộng cho vay, một mặt hạn chế hoạt động của tổ chức tín dụng, mặt khác khiến người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn NH. Thứ hai, việc hình sự hóa quan hệ tín dụng cũng là một trong các nguyên nhân cản trở việc xử lý nợ xấu vì cán bộ NH lo ngại trước nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thứ ba, việc hình sự hóa quan hệ tín dụng nói riêng và quan hệ dân sự nói chung sẽ xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có hành vi bị hình sự hóa. Thứ tư, việc hình sự hóa quan hệ tín dụng nói riêng và quan hệ dân sự nói chung sẽ có tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Thứ năm, việc hình sự hóa quan hệ tín dụng nói riêng và quan hệ dân sự nói chung sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân vào Nhà nước và pháp luật bởi, thực chất “hình sự hoá” là việc làm oan, sai người vô tội. Điều này sẽ dẫn đến những bất ổn trong đời sống chính trị, xã hội”, bà Hương phân tích.

Lệ Thúy
.
.
.