IPO bệnh viện công đầu tiên: Đắt như tôm tươi

Thứ Năm, 22/10/2015, 16:29
Lần đầu tiên, một bệnh viện công lập thực hiện cổ phần hóa đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tài chính: cổ phần bán hết veo, giá cao tới 2,6 lần so với giá khởi điểm. Điều gì đằng sau sức hút này?

Sáng 21/10, Bệnh viện GTVT Trung ương đã bán đấu giá gần 5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở GDCK Hà Nội (HNX)- IPO, tương đương 29,5% vốn điều lệ, mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.

Đáng chú ý, sự kiện này đã thu hút sự tham dự của 33 nhà đầu tư, và khối lượng đặt mua đạt hơn 11,7 triệu cổ phần, gấp 2,4 lần so với khối lượng chào bán. Có nhà đầu tư sẵn sàng đặt mua toàn bộ khối lượng chào bán, và có nhà đầu tư trả giá cao gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm, tại mức giá 26.000 đồng/cổ phần.

Nên cổ phần hóa nhiều cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa.

Kết quả, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã bán hết cho 1 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức, với giá đấu thành công bình quân là 23.597 đồng/cổ phần, giá đấu thành công cao nhất là 26.000 đồng/cổ phần, đây là mức giá thành công cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 116,8 tỷ đồng, cao hơn mức giá khởi điểm 67,3 tỷ đồng. Điều này cho thấy cổ phần của một đơn vị công lập như Bệnh viện GTVT Trung ương thực sự rất được nhà đầu tư quan tâm.

Bệnh viện GTVT Trung ương là đơn vị công lập đầu tiên trong cả nước được Bộ GTVT tiến hành thí điểm cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa, Bệnh viện sẽ có tên mới là Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT.

Nhiều ý kiến nhận định thành công bước đầu này đến từ chủ trương thoái sâu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ vừa điều chỉnh. Đặc biệt, trong điều kiện Nhà nước không đủ ngân sách đầu tư xây dựng bệnh viện, trang bị cơ sở vật chất hiện đại và thu hút bác sĩ, chuyên gia giỏi, cổ phần hóa là giải pháp cần phải triển khai để thu hút nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm quản lý bệnh viện, dùng thu nhập cao để lôi kéo nguồn nhân lực chất lượng cao... tạo điều kiện đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đánh giá về bước đi này, chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức cho đây đây là bước đi đúng hướng, phù hợp với yêu cầu bắt buộc trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đây là việc cần thiết phải làm và lẽ ra phải làm từ rất lâu.

Tuy nhiên, đằng sau sự thành công của IPO Bệnh viện GTVT, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà đầu tư nhắm vào các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các dịch vụ công như giáo dục, y tế… rất có thể để lợi dụng những ưu đãi về đất đai, mua đất vàng giá rẻ?

Ông Đức cho rằng, không loại trừ những phương án này, nhưng để có mô hình bệnh viện tốt, không còn cách nào khác là tăng cường giám sát, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng làm nhiệm vụ cung ứng chăm sóc sức khỏe, nếu như số lượng doanh nghiệp bệnh viện càng nhiều, thì các bệnh viện khác cũng sẽ phải tìm cách cạnh tranh, tăng chất lượng, giảm giá dịch vụ.

Lệ Thúy

.
.
.