Đã đến lúc phải mua bảo hiểm cho tài sản công

Thứ Hai, 20/07/2015, 09:35
Là một đất nước có mức độ thiên tai cao nhất thế giới, mỗi năm, ngân sách Nhà nước đang phải bỏ ra cả chục nghìn tỷ đồng để tái thiết tài sản công. 

Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tài sản công ở nước ta trải rộng khắp toàn quốc, với giá trị gần 1 triệu tỷ đồng, thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và hiện đang được gần 90 nghìn cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Đây là nguồn lực có ý nghĩa quan trọng không thể thiếu để các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và tài sản công có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, từ giáo dục, y tế, thủy lợi, dịch vụ công đến giao thông vận tải, liên lạc...

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh, trên thực tế, các rủi ro khách quan không thể tránh được như rủi ro thiên tai, rủi ro kỹ thuật, rủi ro con người... và để khắc phục thiệt hại tài sản công do các rủi ro gây ra cần đến nguồn một nguồn tài chính không nhỏ. 

Việt Nam là một trong những nước có mức độ thiên tai cao nhất thế giới, trung bình mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500 người, gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2 - 1,5 GDP cả nước. Tuy vậy, tỷ lệ giá trị tài sản công được bảo hiểm tại Việt Nam còn rất thấp, phạm vi được bảo hiểm chưa toàn diện, chưa được bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại hằng năm đối với tài sản công khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng. Các thiệt hại này phần lớn do ngân sách Nhà nước chi trả để tái thiết. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, nhiều nước bắt buộc phải mua bảo hiểm tài sản công như tại Philippines, Panama, Peru, Mexico..., đối tượng được bảo hiểm là các tòa nhà, cơ sở hạ tầng. 

Khi rủi ro xảy ra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công không chỉ được các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có năng lực tài chính vững mạnh bảo vệ, mà còn được bảo vệ bởi các nhà tái bảo hiểm hàng đầu trên thế giới có uy tín, có kinh nghiệm... Trong khi đó, nếu không có bảo hiểm tài sản công, Chính phủ phải chi trả hàng trăm tỷ USD để khắc phục hậu quả đối với những thiên tai nặng nề.

Bởi vậy, tại hội thảo “Bảo hiểm tài sản công: Huy động nguồn lực từ thị trường bảo hiểm góp phần bảo vệ tài chính, ngân sách Nhà nước” vừa được Bộ Tài chính tổ chức, hầu hết mọi người tham dự đều đánh giá cao mức độ cần thiết của bảo hiểm tài sản công. 

Nhiều DNBH đều cho rằng đây là phương thức tốt nhất giảm thiểu rủi ro khi thiên tai xảy ra vì khi đó sẽ được DNBH và tái bảo hiểm bảo vệ. Qua đó, góp phần bảo vệ tài chính, NSNN, bởi phí bảo hiểm thấp hơn số kinh phí Nhà nước hỗ trợ hằng năm gần 10.000 tỷ đồng, giảm bội chi ngân sách; phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, DNBH đang hoạt động tại Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai loại hình bảo hiểm này.

Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh khẳng định, tinh thần của cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm và DNBH là: sẵn sàng bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ với mức trách nhiệm bảo hiểm cao nhất cho bất kỳ tài sản công nào bị thiệt hại do bất kỳ rủi ro nào gây ra, nhằm nhanh chóng khôi phục giá trị, tái thiết đầy đủ tài sản công, bảo đảm bộ máy Nhà nước, các tổ chức, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách có hiệu lực, có hiệu quả, và được thông suốt.

PV
.
.
.