Xả tín dụng giá rẻ, khách không dễ vay tiền

Thứ Tư, 26/11/2014, 16:38
Cuối năm, cứ vào mùa “sale”, các nhà băng lại đua nhau hạ lãi suất “câu” khách hàng vay tiền. Trong hàng trăm chương trình khuyến mại, có những gói tín dụng với lãi suất “siêu thực”: 0% đang thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức lãi suất trong mơ này chỉ được thực hiện trong thời gian rất ngắn, sau đó khách hàng phải chịu lãi suất do ngân hàng (NH) quy định, kèm theo hàng chục điều khoản ràng buộc mà luôn có kết thúc với từ “phạt”.

“Ma trận” vay vốn lãi suất 0%

Kéo dài từ cuối tháng 8 năm 2014, đến thời điểm này, chương trình tín dụng “sốc” với mức lãi suất siêu rẻ của NH TMCP Hàng hải (Maritime Bank) vẫn còn có hiệu lực. Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình “Vay liền tay, miễn ngay lãi suất”, tất cả các khách hàng cá nhân vay vốn tại Maritime Bank sẽ có cơ hội được vay vốn với mức phí ưu đãi 0%/năm. Đại diện NH cho biết: “Chương trình áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng, mua nhà, đầu tư kinh doanh, trả góp và các sản phẩm tín dụng cá nhân khác”.

Lãi suất 0%, nhưng thực tế khách hàng không dễ vay.

Tại một ngân hàng khác là NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đang có chương trình cho vay mua xe Mercedes lãi suất 0%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, mức ưu đãi trên chỉ áp dụng cho các dòng xe C200, C250, C300, A200, A250 với tỷ lệ vay tối đa 75% giá trị xe. Hay NH TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đưa ra chương trình hỗ trợ tín dụng mua nhà. Theo đó, từ nay đến cuối 2014, HDBank hỗ trợ lãi vay 0 đồng trong 12 tháng đầu tiên dành cho khách hàng mua căn hộ Dự án Celadon City (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Khách hàng được hỗ trợ lãi vay và không phải trả vốn gốc trong vòng 1 năm đầu tiên kể từ khi ký hợp đồng và được giải ngân vốn, nhận nhà ở với lãi suất giảm 1%/năm trong năm tiếp theo…

Trong các chương trình khuyến mại mà các nhà băng đưa ra, khách hàng luôn được nhìn thấy những lợi ích hấp dẫn mà không hề nhìn thấy những điều khoản ràng buộc. Chỉ đến khi có nhu cầu vay tiền, đặt bút ký hợp đồng, hoặc thậm chí đến khi bị phạt, họ mới ngã ngửa. Bên cạnh đó, điểm nổi bật đáng chú ý đó là các gói tín dụng mà các NH tung ra thường “ép” khách hàng phải sử dụng sản phẩm theo đúng chỉ định. Với cách thức này, nhà băng sẽ “một mũi tên trúng 2 đích”: vừa giải ngân được vốn, mà lại giúp đối tác liên kết “xả” được hàng tồn kho, lợi cả đôi đường. Chỉ có người tiêu dùng là thiệt hại, dù ban đầu tưởng “vớ”  được vốn giá rẻ, nhưng sau thời gian khuyến mãi, sẽ chịu mức lãi suất do NH quy định, có thể là “thả nổi” theo giá thị trường. Cùng với đó, việc ràng buộc chỉ được mua những sản phẩm theo chỉ định dễ khiến cho khách hàng phải mua những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu, hoặc chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn.

Cẩn thận “dính bẫy”

Bình luận về “hiện tượng” cho vay siêu rẻ này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu nhìn một cách rành rẽ và theo logic thì rõ ràng các chương trình cho vay lãi suất 0% luôn có vấn đề đằng sau nó. Nếu không phải chỉ là “làm hàng” để gây sự chú ý và người vay tiền hầu như không thể với tới thì các quy định, điều khoản ràng buộc cũng sẽ “bủa vây” khách hàng “may mắn”. Vốn cho vay, dĩ nhiên các nhà băng huy động từ người dân, với lãi suất tính ra cũng phải từ 6-7%, nên việc cho vay 0% hoặc thấp hơn mức huy động là điều không thể. Vì vậy, để lôi kéo khách hàng, dĩ nhiên họ cần gây sự chú ý, đánh vào thông tin ban đầu là cho vay rẻ, nhưng sau đó, các NH phải tìm mọi cách để đẩy lãi suất lên cao. Hoặc một cách khác để bù đắp mức lãi suất này, là hàng trăm khoản chi phí mà nhà băng đưa vào, trong đó có phí phạt trả trước nợ là một ví dụ mà rất nhiều khách hàng “dính”. Thực ra, việc phạt trả nợ trước hạn là một quy định hợp lý, vì như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã giải thích: Quy định mức phí phạt trả nợ trước hạn là phù hợp với thực tế và cần thiết, vì khi cho khách hàng vay, tổ chức tín dụng đã cân đối nguồn vốn huy động để đáp ứng yêu cầu của khoản vay; đồng thời tổ chức tín dụng cũng phải trả lãi, chi phí cho khách hàng mà mình huy động vốn để cho khách hàng vay.

Như vậy, rõ ràng việc các nhà băng tung khuyến mãi “khủng” là chiêu để kiếm lợi nhuận. Chỉ có khách hàng, làm sao có thể “tỉnh táo” không rơi vào “bẫy” của NH mới là điều đáng quan tâm. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu không muốn bị rơi vào bẫy, lãi suất hạ, trong các hợp đồng tín dụng, khách hàng cần chú ý đến các điều khoản vay vốn, đặc biệt là các mức lãi suất thời gian còn lại. Cùng ý kiến, chuyên gia kinh tế độc lập - Thạc sỹ Hồ Bá Tình khuyến cáo, khách hàng trước khi vay vốn phải đặc biệt tìm hiểu kỹ các quy định, yêu cầu nhân viên NH giải thích rõ mọi điều khoản như lãi suất, điều kiện giải ngân và trả nợ. Nhưng quan trọng hơn, vị chuyên gia này khuyến cáo người tiêu dùng trước hết phải xem xét thận trọng nhu cầu và khả năng chi trả của mình, tránh tiêu xài quá mức trở thành “nô lệ” cho tiền bạc.

Lệ Thúy
.
.
.