Vốn ngân hàng chảy vào bất động sản không tăng đột biến

Thứ Tư, 24/06/2015, 09:21
Đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước nhiều nghi ngại cho rằng, thời gian gần đây, một dòng vốn lớn đang “đổ bộ” vào thị trường nhà đất, khiến cho nguy cơ “bong bóng” bất động sản (BĐS) tái diễn.

Kể từ đầu năm 2015 đến nay, với dự đoán thị trường BĐS đang và sẽ “ấm” dần lên, hàng loạt gói tín dụng ưu đãi cả về lãi suất cũng như thời hạn vay dành cho khách hàng mua nhà được các nhà băng rầm rộ triển khai. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng quý I, thì dư nợ của các ngân hàng thương mại (NHTM) cho thị trường BĐS là khoảng 330.000 tỷ đồng.

Nhiều gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng dành cho lĩnh vực bất động sản.

Thời điểm thấp nhất là năm 2011 là 170.000 tỷ đồng, như vậy đã tăng gấp đôi so với cách đây 4 năm. Tăng trưởng tín dụng lĩnh vực BĐS 3 tháng đầu năm đạt 10,5% so với cuối năm 2014, trong khi tăng trưởng tín dụng chung của cả nước dự kiến cả năm chỉ khoảng 12-13%. Dư nợ xấu, dư nợ tồn kho BĐS vẫn đang giảm mạnh.

Chính Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng chia sẻ trong một cuộc hội thảo về BĐS: “Xu hướng tăng trưởng giao dịch trên thị trường BĐS là mạnh mẽ và bền vững. Giá BĐS các kỳ khủng hoảng cũng đã được điều chỉnh về mức tương đối hợp lý, cơ bản ổn định, có thể nói đây là tín hiệu tốt. Giá cả ổn định, giao dịch tăng trưởng dẫn tới số dư nợ NH trong lĩnh vực BĐS cũng tăng lên. Dòng tiền của NH chủ yếu chảy vào thị trường BĐS”.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình này, nhiều nghi ngại cho rằng, nếu dòng tiền ồ ạt “đổ bộ” vào BĐS sẽ khiến cho thị trường này tái diễn cảnh “bong bóng” đã diễn ra cách đây nhiều năm, mà nền kinh tế hiện nay vẫn đang gánh hậu quả khi nó “xì hơi”. Bên cạnh đó, cộng hưởng với một lượng kiều hối lớn chảy vào, sẽ khiến cho nguy cơ này trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Vì thế, câu hỏi có hay không tín dụng BĐS tăng mạnh nhận được nhiều quan tâm tại cuộc họp báo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của NHNN.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo số liệu sơ bộ của NHNN, đến cuối tháng 5, tín dụng BĐS tăng 10,89% chiếm tỷ trọng 8,3%. Tỷ trọng này chỉ cao hơn một chút so với tỷ trọng 7,96% của 5 tháng đầu năm 2014.

“Về cơ cấu tín dụng BĐS cho thấy, tín dụng chủ yếu đổ vào việc xây dựng, hoàn thiện các khu nhà ở, căn hộ bán và cho thuê, chứ không phải chảy vào việc đầu tư kinh doanh BĐS. Việc này đáp ứng nhu cầu của người dân về nhà ở, đồng thời cũng góp phần tiêu thụ tồn kho trong lĩnh vực xây dựng, sắt thép, xi măng… Tỷ trọng 8,3% cho thấy đây không phải là diễn biến đột biến, tuy nhiên NHNN không chủ quan với các diễn biến này”, Phó Thống đốc khẳng định.

Bà Hồng cũng chỉ ra rằng: “Trong những năm gần đây, cũng như trong Chỉ thị số 01 cũng định hướng rõ, NHNN điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả. Theo đó, NHNN thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD), cập nhật theo dõi thường xuyên. Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN cũng đặc biệt quan tâm và chỉ đạo rõ các TCTD hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản, xuất kinh doanh cũng như 5 lĩnh vực ưu tiên”.

Đại diện NHNN cho biết, bên cạnh chủ trương điều hành tín dụng, Thông tư số 36 là khuôn khổ pháp lý được bổ sung một số quy định đảm bảo kiểm soát hoạt động của các NH theo hướng chặt chẽ, kiểm soát tốt rủi ro. Qua đó cũng đòi hỏi các TCTD phải có quy trình kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro về tín dụng, thanh khoản… Như vậy, bản thân các TCTD đã và đang thực hiện theo các quy định để tuân thủ việc kiểm soát rủi ro tín dụng.

Tại cuộc họp báo sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, trả lời câu hỏi của PV Báo Công an nhân dân về việc thị trường NH đang có hiện tượng tăng lãi suất huy động ở một số nhà băng, làm dấy lên lo lắng về hiệu ứng làm tăng lãi suất cho vay, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất 6 tháng đầu năm vẫn có xu hướng giảm và gần đây lãi suất huy động giảm 0,2-0,4%/năm so với cuối năm 2014, lãi suất cho vay cũng giảm 0,2-0,5%/năm.

“Qua nắm bắt cho thấy, một số NH tăng lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, nhưng đây không phải là xu hướng phổ biến. Nguyên nhân là trước đây, khi NHNN điều chỉnh trần lãi suất ngắn hạn, dưới 6 tháng, thì một số NH có lợi thế về quy mô, về huy động vốn, đã huy động với mức lãi suất thấp hơn so với các NH khác. Thời gian gần đây, các nhà băng này tăng lãi suất huy động của các kỳ hạn ngắn, đưa lãi suất trở lại mức bình thường phổ biến. Lãi suất kỳ trên 6 tháng vẫn tương đối ổn định và tổng thể cho thấy mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn giảm so với cuối năm 2014”, Phó Thống đốc phân tích. (PV)

Lệ Thúy
.
.
.