Vì sao quản lý giá sữa liên tục bị “đùn qua đẩy lại”?
- Sẽ xem xét bỏ trần giá sữa từ đầu tháng 7-2016
- Áp giá trần gây tác động ngược lên giá sữa
- Giá sữa thành phẩm cao, người chăn nuôi bò sữa vẫn chưa hết khó
- Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Bộ Công thương quản lý giá sữa
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Điều 24 Luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã kiến nghị đưa việc quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương.
Cụ thể, Bộ Công Thương được kiến nghị tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá, hướng dẫn thực hiện đăng ký giá đối với sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu đề xuất trình Chính phủ quyết định và hướng dẫn, tổ chức thực hiện đối với các biện pháp bình ổn giá như điều hòa cung cầu hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho, kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa; chủ trì việc đăng ký giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá và định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và cùng Bộ Tài chính quản lý, giám sát đối với danh mục các mặt hàng này.
Như vậy, theo đề xuất này của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ quản lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến giá sữa, từ kê khai giá cho đến xác định các yếu tố hình thành giá của các mặt hàng này. Tất nhiên, Bộ Công Thương cũng như rất nhiều lần trước đó, đã không nhận, với lý do Bộ Tài chính mới có... Cục Quản lý giá.
Theo nguồn tin của chúng tôi, tại văn bản góp ý về Nghị định này, Bộ Công Thương đã dẫn ra hàng loạt văn bản pháp luật chỉ rõ nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
Thứ nhất, Khoản 1 Điều 27 Luật Giá quy định Bộ Tài chính mới là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (trong đó có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi).
Như vậy, Luật Giá đã xác định rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính về nội dung này, việc dự thảo Nghị định đề nghị giao cho Bộ Công Thương sẽ là trái luật.
Thậm chí, Nghị định 215/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính cũng giao Bộ này quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá nói chung, trong đó có việc quản lý giá cả hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai giá...
Ngược lại, Bộ Công Thương chỉ được giao quản lý về phát triển thương mại và thị trường trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, điều tiết lưu thông hàng hóa trong từng thời kỳ...
Bày tỏ quan điểm của mình, Bộ Công Thương cho rằng, để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tế quản lý, Bộ Tài chính vẫn nên tiếp tục làm đầu mối chủ trì như hiện nay hoặc phối hợp với Bộ Y tế trong việc tiếp nhận văn bản kê khai giá, đăng ký giá và áp dụng các biện pháp bình ổn giá (như quy định giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá) đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi và sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Sữa bột là một mặt hàng mà không bộ nào muốn quản lý. Ảnh: T.H |
Vậy tại sao việc quản lý giá sữa cứ bị "đùn qua đẩy lại" trong suốt 2 năm qua? Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong ngành cho biết: Mặt hàng sữa cho trẻ em lâu nay luôn nằm trong tầm ngắm, chịu sự chỉ trích của dư luận về việc giá quá cao, chuyển giá, nhưng cơ quan chức năng hoàn toàn bó tay trong việc xác định thế nào là mức giá vừa phải.
Mong ước là kiểm soát được giá, nhưng khả năng lại không thể đáp ứng nổi nên cơ quan nào cũng sợ.
Đơn cử, việc Bộ Tài chính yêu cầu các hãng sữa kê khai các yếu tố hình thành giá, nhưng việc này chỉ hoàn toàn hình thức, bởi có trời mới xác định được giá kê khai đó có hợp lý hay không, bởi không có căn cứ nào để so sánh? (Đây chính là một phần lý do Bộ Tài chính muốn Bộ Công Thương quản lý giá sữa, bởi Bộ Công Thương có đội ngũ Thương vụ làm việc ở nước ngoài, có thể so sánh giá giữa các thị trường).
Hay sự nhập nhèm tên gọi giữa "sữa” và "thực phẩm bổ sung”... cũng đã đủ khiến cơ quan quản lý điên đầu. Việc hãng sữa kê khai giá mặt hàng này, nhưng thay đổi một chút trong thành phần và thay đổi nhãn mác để tăng giá đã xảy ra.
Có một lựa chọn khác, theo vị chuyên gia, là trả giá sữa lại cho thị trường, để người tiêu dùng tự quyết định sản phẩm đó có xứng đáng với mức giá nó được bán ra không? Tuy nhiên, Chính phủ rất dè dặt với đề xuất này, bởi theo một khảo sát, chính người tiêu dùng cũng muốn mặt hàng sữa có sự quản lý của nhà nước.
Được biết, tính từ thời điểm mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vào danh mục bình ổn giá, từ 1-6-2014 đến 29-8-2016, cả nước đã có 877 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.
Theo Cục Quản lý giá, giá bán lẻ các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm khoảng từ 0,1-34% so với thời điểm trước khi nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn.
Bộ này cũng nhận định việc triển khai bình ổn giá đã đạt được kết quả tốt, giúp ổn định mặt bằng giá sữa trên thị trường, giảm gánh nặng chi phí bất hợp lý cho người tiêu dùng do giá sữa tăng quá cao, đảm bảo an sinh xã hội...
Tuy nhiên, việc quản lý cũng đang gặp rất nhiều vướng mắc do danh mục mặt hàng sữa do Bộ Y tế quản lý, việc kiểm tra, giám sát các tổ chức, cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn lại phải dựa vào cơ quan quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và 70% nguồn sữa bột là nhập khẩu, cũng là một khâu do Bộ Công Thương quản lý.