Tỷ giá USD lại dâng cao

Thứ Ba, 18/11/2014, 08:59
Sau tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào đầu tháng 10, trong mấy ngày gần đây, tỷ giá đồng bạc xanh lại “dậy sóng”. Thị trường ghi nhận sự điều chỉnh tăng đồng loạt của cả USD tự do và tại các ngân hàng thương mại.

Theo khảo sát tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD được các nhà băng mạnh tay nâng lên trong mấy ngày gần đây. Đến ngày 17/11, đồng bạc xanh này vẫn tiếp tục nhích nhẹ, thêm 5-20 đồng/USD, đẩy giá bán cao nhất lên tới 21.380 đồng/USD. Cụ thể, tạiVietinBank, USD tăng mạnh 20 đồng ở cả 2 chiều mua - bán lên 21.315/21.375 đồng/USD. Trong khi đó, dù giữ nguyên, nhưng tại BIDV, giá USD vẫn đứng ở mức cao do đã tăng ở các phiên trước, lên mức 21.300/21.360 đồng/US.

Tương tự, Vietcombank và Agribank cũng giữ nguyên giá tỷ giá USD của mình, neo ở mức tương ứng là 21.310/21.360 đồng/USD và 21.285/21.355 đồng/USD. Với khối ngân hàng thương mại cổ phần, Eximbank niêm yết giá USD ở mức 21.290/21.370 đồng/USD, tăng 10 đồng ở cả 2 chiều mua và bán. Còn ACB mạnh tay hơn khi tăng 15 đồng mỗi chiều lên 21.295/21.375 đồng/USD. Mạnh tay nhất là Sacombank khi tăng 20 đồng ở cả giá mua vào - bán ra. Hiện giá mua - bán USD tại Sacombank là 21.290/21.380 đồng/USD. DongA Bank giữ nguyên giá mua vào của mình ở 21.295 đồng/USD, tuy nhiên tăng nhẹ giá bán ra thêm 5 đồng lên 21.370 đồng/USD…

Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường chiều 17-11 là 21.270 đồng/USD và cao nhất là 21.315 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất là 21.355 đồng/USD, còn giá bán ra cao nhất là 21.380 đồng/USD.

Tỷ giá USD tăng do ảnh hưởng từ nhu cầu vay ngoại tệ cuối năm.

Cùng chạy đua tăng giá với thị trường chính thống, giá USD tự do tại Hà Nội cũng liên tục được cập nhật tăng. Đến cuối tuần qua, đồng bạc xanh được trao đổi trên thị trường tự do đã vọt lên 21.405-21.415 đồng (mua vào) và 21.430-21.440 đồng (bán ra), tăng 35 đồng ở chiều mua và 40 đồng ở chiều bán so với phiên liền trước. Ở mức giá này, USD tự do đang đắt hơn USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại khoảng 100 đồng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, bước sang ngày 7/11, trên thị trường Hà Nội, giá USD tự do đã “hạ nhiệt” một chút, nhưng vẫn cao hơn USD trong ngân hàng tới 35-50 đồng cho 2 chiều mua và bán, dao động ở mức 21.390 đồng chiều mua vào và 21.430 đồng chiều bán ra.

Nhìn nhận về lần “dâng sóng” này của tỷ giá, theo các chuyên gia kinh tế, đồng USD tăng lên do ảnh hưởng từ nhu cầu vay  vốn, nhất là vay ngoại tệ đang tăng mạnh những tháng cuối năm. Thông thường, 3 tháng cuối năm được coi là “mùa vàng tín dụng” của các ngân hàng. Năm nay, tính đến hết tháng 10/2014, tín dụng chung của toàn hệ thống tăng 8,63%, trong đó có đóng góp lớn của tín dụng ngoại tệ với mức tăng nóng lên tới trên 20%. Theo dự báo, 2 tháng cuối năm, tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng nóng, bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu và  nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng phục vụ cho dịp Tết tăng lên. Về diễn biến này, một số chuyên gia cho rằng, việc nới lỏng tín dụng ngoại tệ thời gian qua sẽ tác động xấu đến tỷ giá, làm gia tăng tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao thời gian qua là chưa đáng lo ngại và nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN. “Dư nợ tín dụng ngoại tệ hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, ở mức 15% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước và nguồn vốn nước ngoài thì hệ số sử dụng vốn ngoại tệ khá thấp, chỉ khoảng từ 50-60%. Mặt khác, NHNN chỉ cho phép các NHTM cấp tín dụng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ sẽ không tạo áp lực tới trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng”, ông Đông nói.

Trở lại việc tỷ giá có dấu hiệu nóng lên thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là diễn biến bình thường của tỷ giá vào dịp cuối năm, mỗi khi nhu cầu vay ngoại tệ tăng lên, song không có gì đáng ngại. Với dự trữ ngoại tệ hiện nay, cộng với thặng dư thương mại tốt, dòng kiều hối và vốn FDI ổn định, NHNN thừa sức bình ổn tỷ giá. Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, hiện cung cầu ngoại tệ của cả hệ thống vẫn cân bằng và được NHNN kiểm soát chặt chẽ. Đáng chú ý, ngày 6/10, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục giữ ổn định tỷ giá.

Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, tỷ giá luôn nằm trong định hướng chỉ đạo của NHNN, luôn biến động trong phạm vi cho phép của NHNN. Năm 2014, cơ quan này đã điều chỉnh tỷ giá 1%, và thị trường vẫn tiếp tục ổn định, nên nếu có điều chỉnh thì cả năm 2014 cũng chỉ điều chỉnh ở mức từ 1 đến 1,43% và nằm hoàn toàn trong biên độ của NHNN.

Lệ Thúy
.
.
.