Tạo niềm tin để 'nắn' kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh

Thứ Hai, 22/12/2014, 10:21
Theo số liệu khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiến hành, trong 11 tỷ USD kiều hối mà Việt Nam đạt được trong năm 2013, có tới 20% tiền được người dân dùng để mua vàng và 16-17% mua nhà đất, trong khi đó, tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh chỉ đạt có 15%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong mười nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới với tổng giá trị kiều hối là 11 tỷ USD vào năm 2013, chiếm đến 8% GDP cả nước. Hiện có tới 35,4% lượng kiều hối đang được sử dụng cho tiêu dùng. Về lĩnh vực đầu tư, tỷ trọng người nhận kiều hối chiếm phần lớn nhất là để gửi ngân hàng nhận tiền lãi (hơn 30% tổng số người được khảo sát); đầu tư và kinh doanh vàng 20% và thị trường bất động sản 16-17% trong 3-5 năm gần đây.

Ngoài ra, đối với đời sống và tiêu dùng, có tới 40% người dân đã khẳng định, kiều hối đóng vai trò quan trọng và rất quan trọng trong đời sống của họ. Khoảng 17% người tham gia khảo sát cũng cho biết, tiền kiều hối chiếm đến 80% tổng thu nhập gia đình họ. Mặc dù chỉ chiếm một phần không lớn trong tổng số kiều hối của cả nước, nhưng có gần 16% người tham gia khảo sát cho biết dòng tiền kiều hối chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, đã đóng vai trò "phao cứu sinh" cho các nhà đầu tư không thể vay vốn ngân hàng, do các quy định nghiêm ngặt về điều kiện được vay vốn. Điều này cho thấy trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, khi “một đồng cũng quý”, thì rõ ràng, nền kinh tế đang bỏ lỡ một nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Trong khi đó, kiều hối dùng để mua vàng và nằm “chết” trong bất động sản không hề tạo ra sản phẩm, không hề giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại lịch sử vào năm 2006-2007, dù kiều hối không lớn như bây giờ, nhưng có tới 50% trong số đó đã được người dân đầu tư vào bất động sản và chứng khoán.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM thì đây chính là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng bong bóng bất động sản mà đến thời điểm này, nền kinh tế vẫn đang phải gánh chịu hậu quả. Đáng chú ý hơn, theo dự báo của CIEM, năm 2015 và 2016 sẽ là những năm “đỉnh” của kiều hối chảy về trong nước, thế nhưng sang năm 2017, kiều hối của Việt Nam sẽ giảm sút. Vì vậy, đây là một dòng vốn rất quan trọng mà nền kinh tế cần phải tranh thủ tận dụng. Còn theo nhiều dự báo khác, 2015 là năm được nhận định thị trường bất động sản sẽ khởi sắc.

Theo TS Võ Trí Thành, nếu không “nắn” dòng tiền này, rất có thể, lại một lần nữa, kiều hối sẽ chảy vào bất động sản, gây bong bóng bất động sản như năm 2006-2007 và sớm muộn gì, khi bong bóng xì hơi, kịch bản khủng hoảng lại một lần nữa tái diễn.

Tuy nhiên, để “nắn” được dòng tiền này vào sản xuất kinh doanh, theo TS Thành, quan trọng nhất là niềm tin của người dân vào nền kinh tế. “Với tỷ trọng này, nó thể hiện nguồn lực kiều hối chưa vào tốt nhất vào sản xuất, tạo giá trị gia tăng cho GDP. Câu chuyện này gắn với lòng tin thị trường, gắn với ổn định, cải cách và hội nhập. Bởi vậy, để tiền chảy vào sản xuất kinh doanh, phải tạo được niềm tin cho người dân yên tâm đầu tư”, TS Thành khẳng định.

Lệ Thúy
.
.
.