Tái cơ cấu để hội nhập
Câu chuyện DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cũng như Nghị quyết mới siết “vùng cấm” cho dòng vốn cũng đang được mong đợi như là một cách cởi trói cho chính DNNN và cả những DN đang “bị” ôm vốn của DNNN.
1 nghề cho chín còn hơn 9 nghề
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lấy ví dụ việc đầu tư của các DN giống như cái cây, nếu là cây có rễ cọc, thì nó sẽ cắm sâu xuống lòng đất, dù bão lớn vẫn có thể đứng vững. Tương tự, DNNN chỉ tập trung mũi nhọn, sẽ vững mạnh trước hội nhập. Còn nếu cứ đầu tư dàn trải, giống như cái cây có rễ chùm, chỉ ăn nông trên mặt đất, khi có gió bão sẽ không chống đỡ được. Và ngẫm cho cùng, lời khuyên muôn đời “1 nghề cho chín còn hơn 9 nghề” của cha ông vẫn luôn đúng.
Phân tích sâu hơn, ông Long cho rằng không phải chỉ hội nhập, mà ngay cả bình thường, khi DN đầu tư dàn trải, đầu tư theo phong trào vào những lĩnh vực không phải là chuyên môn của mình, thì sẽ gây ra hậu quả rất lớn. Bài học nhãn tiền từ EVN khi đầu tư vào ngân hàng, bất động sản là một ví dụ. Trong khi chuyên môn chính là sản xuất điện, thì EVN vẫn “dựa hơi” vào thế độc quyền của mình, bán điện theo kiểu “ban phát”, cung không theo kịp cầu, khiến cho tình trạng mất điện, thiếu điện xảy ra khắp nơi, nhất là vào những đợt cao điểm nắng nóng. Rồi còn chuyện giá cả, hóa đơn… gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Vinamilk có cơ hội dẫn đầu ngành sữa khu vực Đông Nam Á. |
“Khi nền kinh tế hội nhập, đồng nghĩa với việc phải nâng cao sức cạnh tranh. DN Việt Nam từ cái ao làng bơi ra biển lớn, nếu vẫn giữ cách làm ăn cũ, sẽ không thể cạnh tranh được với DN ngoại. Mà sức cạnh tranh, đó chính là tính hiệu quả của công việc sản xuất kinh doanh. Ngành nào có lợi tức cao, thì các nhà đầu tư sẽ tìm cách rót tiền vào. DN càng mạnh, vốn càng nhiều, nhà đầu tư nội không đáp ứng được, thì nước ngoài sẽ đầu tư vào. Đây chính là cơ hội để cho các DNNN đổi mới quản trị, đổi mới cách làm, tiếp thu được nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật của thế giới, nâng cao hơn nữa giá trị của DN, sức cạnh tranh của mình trên trường quốc tế. Còn với những DN tư nhân, khi DNNN thoái vốn, tập trung vào chuyên môn chính, họ sẽ có sân chơi rộng hơn, và cạnh tranh công bằng hơn. Đứng trước hội nhập, những DN này cũng có cơ hội được cạnh tranh giống như bất kỳ một DN thuộc thành phần kinh tế nào khác”, ông Long nhận xét.
Rõ ràng, việc thoái vốn sẽ mang lại cơ hội - đồng nghĩa với chậm thoái vốn sẽ cản những cơ hội của chính DN. Có thể lấy ví dụ như trường hợp tại Tổng Công ty Sông Đà, khi các cổ đông không góp vốn để thực hiện các dự án thủy điện tại Lào như cam kết.
Để đầu tư các dự án thủy điện tại Lào, Sông Đà đã góp 49% vốn vào Công ty cổ phần Điện Việt - Lào. Các cổ đông khác trong công ty này là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Tài chính Dầu khí, Chứng khoán BIDV, Đô thị Sông Đà, Bảo hiểm Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Kinh tế khó khăn, khiến vốn đầu tư của các DNNN bị hạn chế, lại thêm yêu cầu của Chính phủ về việc thoái vốn ngoài ngành, nên trừ Sông Đà, các cổ đông khác đã ngừng ngay việc góp vốn. Hệ quả là có dự án đã giải ngân hàng tỷ đồng phải dừng thi công và một số dự án lớn khác đang phải xem xét lại do không có vốn để triển khai.
Cơ hội cho chính nền kinh tế
Khi thực hiện chủ trương thoái vốn của các DNNN, nhiều ý kiến lo ngại một số DN sẽ bị ảnh hưởng. Sự thực thì cũng có nhiều DN đầu tư ngoài ngành bị thua lỗ, đã làm ảnh hưởng đến nguồn vốn của Nhà nước, cũng như ảnh hưởng chính tới quá trình hoạt động, uy tín của DN và cả người đứng đầu DN. Song, cũng có những DN đầu tư ngoài ngành đạt được một số lợi nhuận nhất định.
Tại số liệu tổng kết cuối năm 2014, ông Phạm Viết Muôn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN khẳng định, hầu hết các DNNN khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành đều mang lại lợi nhuận cho Nhà nước. Theo đó, tính đến cuối năm 2014, các DN thoái hơn 6.050 tỷ đồng giá trị sổ sách, chiếm 30% tổng số vốn phải thoái và gấp 6 lần năm 2013, thu về hơn 8.000 tỷ đồng, tức là bán 1 đồng vốn nhà nước, thì thu về được 1,3 đồng.
Không phải chỉ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, mà ngay cả Chính phủ cũng đã có quyết định thoái vốn tại một sốn DN lớn, trong đó có “con bò sữa” Vinamilk. Dự kiến việc thoái vốn này sẽ mang về cho ngân sách tới 3 tỷ USD. Câu chuyện thoái vốn Vinamilk cho thấy một thực tế: Nếu không còn nắm giữ cổ phần ở một đại gia sữa hàng đầu Việt Nam, thì Nhà nước cũng sẽ hạ tỷ lệ nắm giữ tại nhiều DN tầm cỡ khác. Một bước đi cần thiết sẵn sàng cho cuộc chơi lớn mang tên TPP.
Cụ thể, khi Chính phủ thoái vốn tại những DNNN lớn, không những ngân sách tăng thu, mà chính bản thân các DN cũng có cơ hội đón các nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao tính cạnh tranh với DN ngoại khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP có hiệu lực. Phản ứng thị trường ngay lập tức đã có tín hiệu tích cực, khi cổ phiếu của Vinamilk tăng vọt, được giới đầu tư săn đón. Từ phía mình, Vinamilk cũng cho biết sẵn sàng để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức cao nhất được Chính phủ cho phép.
“Chúng tôi muốn nới room lên mức giới hạn được Chính phủ cho phép, do các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chỉ mang lại nguồn vốn, mà còn cả những kinh nghiệm quản lý cho DN” - đại diện DN này cho biết.
Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCSC) thông tin khi tham gia TPP, ngành sữa Việt được đánh giá sẽ gặp bất lợi. Việc thoái vốn để đón sự tham gia của các đối tác ngoại, giúp Vinamilk có cơ hội thay đổi cách làm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Đây là tiền đề để có thể đưa Vinamilk từ DN đầu ngành sữa ở Việt Nam đến dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VAFI, nhìn nhận, việc thoái vốn là cần thiết để cải thiện hiệu quả hoạt động của các DN. Đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường, nó sẽ tạo ra một chỗ trống, mà ở đó dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tiếp cận DN tốt và tiềm năng. Điều này, chính Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng từng chia sẻ, thoái vốn cũng là cách giúp DN thay đổi phương thức quản lý theo hướng hiệu quả hơn.
Thêm một cơ sở nữa để chúng ta tin tưởng việc thoái vốn sẽ là cơ hội lớn cho DN, khi mới đây, tỷ phú Mỹ Mark Mobius, Chủ tịch quỹ Franklin Templeton Investments với gần 40 tỷ USD, được bầu chọn vào danh sách 10 nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã đến Việt Nam tiếp xúc với một số đối tác quan trọng để quyết định rót vốn đầu tư.
Vị tỷ phú 79 tuổi này cho biết, quỹ của ông hiện rất quan tâm đến thông tin Chính phủ sẽ thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại một số DN lớn. Trong thời gian 5 năm tới, Franklin Templeton Investment có thể phân bổ danh mục đầu tư tới 3 tỷ USD vào các lĩnh vực chuỗi nhà hàng thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics... tại Việt Nam.
Tuy nhiên, “chú thích” thêm, Mark Mobius cũng cho biết, việc đầu tư vào đâu trong thời gian tới sẽ vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, vì Franklin Templeton Investments vẫn đang đợi tiến độ thoái vốn của các DN để còn có lựa chọn phù hợp nhất.
“Việc thoái vốn sẽ tạo ra một chỗ trống, mà ở đó dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tiếp cận DN tốt và tiềm năng. Bản thân Việt Nam đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Khi có sự cạnh tranh, giá cổ phần bán được sẽ cao hơn, tiền thu về nhiều hơn. Khi DN vận hành có lợi nhuận, dòng vốn từ nước ngoài vào nhiều sẽ giúp nhà đầu tư trong nước có nguồn tiền để đầu tư vào lĩnh vực phù hợp, tối ưu hơn. Mặt khác, DN trong nước cũng hoàn toàn có thể mua lại cổ phần đó từ DN nước ngoài. Người Việt mình đã mua lại khách sạn Hilton, Daewoo… đấy thôi. Mà dù DN Việt hay DN nước ngoài thì đều đóng thuế cho Chính phủ Việt Nam, tài sản, thị trường của họ vẫn trên đất nước chúng ta” - chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh bày tỏ. |