Nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng để tạo sự ổn định

Thứ Hai, 27/04/2015, 08:21
Là năm cuối cùng ngành thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, từ đầu năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp về việc kiên quyết xử lý những NH yếu kém, không có triển vọng phục hồi, phát triển… "Việc tái cơ cấu, hợp nhất NH, NHNN sẽ triển khai quyết liệt trong 6 tháng đầu năm 2015; 6 tháng còn lại sẽ triển khai tiếp" - ông Bình nhấn mạnh.
Hai ngân hàng (NH) vốn nghìn tỷ bị mua lại với giá 0 đồng, một số nhà băng nhỏ bị đưa vào “tầm ngắm” xóa sổ khi phải sáp nhập vào NH lớn khác… là những biến động trên thị trường tài chính trong mấy tháng đầu năm 2015. Công cuộc tái cơ cấu NH, trong đó có hình thức sáp nhập (M&A) đang đến giai đoạn nước rút. Dự kiến, đến cuối năm 2015, sẽ có khoảng 10 cái tên NH không còn tồn tại trên thị trường.

Sau thương vụ mua lại NH Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng vào đầu tháng 2/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của OceanBank cũng với giá 0 đồng. Cùng với đó, BIDV vừa phát đi thông tin cho biết, NHNN đã chấp thuận sáp nhập MHB vào BIDV.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông diễn ra giữa tháng 4, VietinBank đã chính thức lấy ý kiến cổ đông về việc việc đưa PG Bank “về chung nhà”. Tuy nhiên, đây chỉ mới là 2 trong một loạt thương vụ “hôn phối” giữa các nhà băng sẽ diễn ra trong năm 2015. Một số thương hiệu NH nhỏ như Southern Bank, MDB, Saigonbank… sẽ không còn khi phải tiến hành sáp nhập vào Sacombank, Maritime Bank, Vietcombank...

Đến nay, thành công của quá trình tái cơ cấu hệ thống NH nổi bật nhất ở việc đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo ổn định ngành, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, nếu so với tình hình thị trường 3 năm trước thì hiện sức khỏe của các NH sau M&A đã và đang dần cải thiện tốt: sổ sách được làm sạch, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Ví dụ, tính đến cuối năm 2014, SCB đã bán được 11.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Tái cơ cấu vẫn đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống.

Trong năm qua, SCB đã xử lý được hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu và năm 2015 trong danh mục đăng ký xử lý nợ xấu khoảng 5.000 tỷ đồng. Hay một nhà băng khác là NCB. Sau tái cơ cấu, nhà băng này đạt 75 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn 44 tỷ đồng so với năm 2013; tổng tài sản tăng 26,8%; tổng vốn huy động và cho vay tăng lần lượt 29,91% và 23,49% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, nợ xấu của NCB giảm 58,48% so với đầu năm, chỉ còn chiếm 2,52% so với tổng dư nợ. Với nỗ lực, quyết tâm chủ động tái cấu trúc toàn diện, năm 2014, NCB đạt nhiều kết quả khả quan và vinh dự được nhận bằng khen của NHNN…

Câu chuyên sáp nhập hay mua lại NH đã trở thành “tất lẽ dĩ ngẫu”, nhưng vẫn khiến những “người trong cuộc” băn khoăn. Chuyện mua lại 0 đồng, quyền lợi của các cổ đông đã được NHNN nói rõ và đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB và Oceabank được bảo đảm. Tuy nhiên, với những trường hợp sáp nhập, câu chuyện hoán đổi cổ phiếu và lợi ích của các cổ đông vẫn đang là lo lắng của nhiều người.

Chẳng hạn, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:0,75 tại thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank khiến không ít cổ đông của Sacombank bức xúc, nhất là cổ đông nhỏ lẻ. Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi gần 90% ý kiến trong đại hội cổ đông của NH Sacombank chất vấn là muốn biết quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Thực tế, SouthernBank 3 năm không trả cổ tức vì nợ xấu cao, trích lập dự phòng đã “ăn” mất lợi nhuận.

Vì thế, cổ đông của Sacombank lo ngại khi sáp nhập bị ảnh hưởng quyền lợi là điều dễ hiểu. Còn phía SouthernBank, lợi ích thì thấy rõ, vì hiện cổ phiếu của NH này chỉ xoay quanh 6 nghìn đồng/cổ phiếu, nhưng khi chuyển đổi, giá cổ phiếu tăng lên tới 17-18 nghìn đồng, gấp 3 giá trị cũ, ngoài ra, cổ đông còn được nhận cổ tức từ Sacombank.

Hay như thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV với tỷ lệ chuyển đổi 1:1 cũng khiến cổ đông của BIDV không hài lòng, và lo ngại không đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, cả hai NH đều có vốn nhà nước, tức cùng chung một chủ, nên việc đưa ra tỷ lệ chuyển đổi cổ phần cũng đã tính toán để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nhỏ, lẻ.

Theo ông Hà, sáp nhập thêm MHB, BIDV sẽ có thêm 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch của MHB “BIDV đang tập trung vốn cho nông nghiệp, nhất là với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, các chi nhánh của MHB hiện chủ yếu nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vùng nông thôn”, ông Hà cho biết. Từ khi có thông tin sáp nhập đến nay, cổ phiếu của BIDV tăng liên tục, chứng tỏ thông tin sáp nhập MHB đang có lợi cho cổ phiếu của BIDV.

Rõ ràng, ở các vụ sáp nhập, cổ đông nhỏ ở những NH lớn sẽ thấy mình bị thiệt thòi, nhưng nhìn ở mặt tích cực, việc sáp nhập sẽ làm chất lượng NH tăng lên: NH sau sáp nhập sẽ sở hữu số phòng giao dịch và lượng nhân viên dồi dào mà không phải đào tạo lại, và giảm được sở hữu chéo.

Và quan trọng, về lâu dài, để hệ thống NH Việt Nam lành mạnh, an toàn hơn, thì việc loại bỏ những NH yếu kém là lộ trình sẽ phải thực hiện.

Lệ Thúy
.
.
.