“Ngành hưởng lợi số 1” sẽ ra sao khi không có TPP?
- Xuất khẩu lớn, doanh nghiệp dệt may vẫn khó cạnh tranh trên sân nhà
- Ngành Dệt may và “giấc mơ” xuất khẩu 50 tỷ USD
- Nắm bắt cơ hội để xuất khẩu hàng dệt may, da giày vào Mỹ
Ngoài việc không còn cơ hội mở rộng thị trường, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư, thì dệt may Việt Nam còn phải chuẩn bị cho một kịch bản khác là chính sách thương mại của Mỹ dưới thời ông Donald Trump sẽ không còn như cũ, trong khi đây là thị trường xuất khẩu số 1 của chúng ta hiện nay.
Theo báo cáo chuyên đề về TPP của Bộ Công Thương gửi Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội 13 (tháng 3/2016), riêng với dệt may, gần 95% số dòng thuế sẽ hoặc là được xóa bỏ hoàn toàn, hoặc là giảm mạnh với mức từ 35 đến 50%.
Mức giảm này tương ứng với 63,5% tổng tiền thuế nhập khẩu mà Mỹ thu vào đối với hàng dệt may của ta (quy về giá trị, tương đương 1,1 tỷ USD trên tổng số thuế nhập khẩu Mỹ thu năm 2014 đối với dệt may Việt Nam, so với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ là 10 tỷ USD).
Không chỉ nhắm tới Mỹ, nếu có TPP, các đối tác thương mại hàng đầu khác như Nhật Bản, Canada... cũng sẽ có các ưu đãi. Với TPP, dệt may Việt Nam đã đạt được mở cửa thị trường nhanh hơn so với lộ trình dài trong các FTA ASEAN – Nhật Bản và Việt Nam – Nhật Bản. Với Canada, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của ta đều được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm như nông sản, thủy sản, dệt may...
Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” trong TPP cũng là một thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài vào dệt may ở Việt Nam. Bằng chứng là một làn sóng FDI vào dệt may đã xuất hiện trong những năm 2014, 2015 với con số lần lượt là 1,4 tỷ USD và hơn 2 tỷ USD - con số kỷ lục.
Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, phần lớn vốn FDI đổ vào các cụm dự án liên hoàn, từ sản xuất sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải và may xuất khẩu, nhằm tận dụng quy tắc xuất xứ.
Dệt may Việt Nam có nhiều vấn đề phải tính toán trong bối cảnh thay đổi hiện nay. |
Năm 2016, theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), vốn FDI vào dệt may trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt khoảng 500 triệu USD, nhưng rõ ràng đã chậm lại nhiều so với đột biến của năm trước. Quy tắc này cũng được kỳ vọng sẽ khiến các DN trong nước đầu tư nhiều hơn vào dệt, sợi để chủ động nguồn nguyên liệu, thay vì phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.
Vậy dệt may sẽ ra sao nếu không có TPP? Hiện nay, nhiều người có xu hướng nhìn ngược lại để an ủi “cơ hội không đến thì thách thức cũng không”. Tập đoàn Dệt may Việt Nam trích ý kiến “một đại diện của Vitas” cho rằng: “TPP có đạt thỏa thuận hay không cũng không ảnh hưởng đến dệt may Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, bởi hiện đây đã là thị trường xuất khẩu số 1 của chúng ta”.
Tuy nhiên, nếu có TPP, thì lượng và chất của vị trí số 1 đó sẽ có khác biệt đáng kể. Mặt khác, quan điểm này có thể chủ quan, bởi vì TPP chưa phải toàn bộ câu chuyện.
Quan trọng hơn là chính sách thương mại dưới thời ông Donald Trump. Với quan điểm chống tự do thương mại, ông này đã nhiều lần “đe dọa” sẽ nâng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc và Mexico; nên không thể loại trừ khả năng thuế sẽ bị nâng lên đối với cả hàng hóa từ các thị trường khác, bao gồm Việt Nam. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong một trao đổi với CAND, đã cảnh báo không nên xem thường diễn biến này, bởi Mỹ là thị trường không dễ thay thế.
Tuy vậy, cũng có quan điểm cho rằng, kể cả khi TPP được thông qua, Việt Nam cũng chưa thể hưởng lợi ngay do vướng quy tắc xuất xứ, nên diễn biến hiện nay cho Việt Nam thêm thời gian để bù đắp những thiếu hụt về tỷ lệ nội địa hóa.
Trao đổi với Báo CAND, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng đánh giá: Do sự chuẩn bị chưa kỹ, nên cơ hội mà Việt Nam có được từ các FTA không phải là cơ hội của người dân Việt Nam, mà trở thành cơ hội của nước ngoài. Bằng chứng là thị trường bán lẻ bị thôn tính, thị trường ôtô bị thôn tính và có thể là dệt may, nếu có TPP.
“Kịch bản tốt nhất là hội nhập đồng thời với cải cách mạnh mẽ trong nước. Nếu không, thì phải giảm tốc độ cả 2, để những lợi ích có được là thực chất” – ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
TPP giúp Việt Nam có thêm cơ hội, nhưng không giúp cải tạo nền tảng nền kinh tế, nên dù vắng TPP, “khó khăn theo nghĩa bản chất là không có”. Ông Cung cho rằng tăng trưởng “ảo” mà TPP đem lại từ cơ hội thị trường, cơ hội đầu tư “làm chậm đi sự hối thúc, giảm đi áp lực của cải cách - mà Việt Nam rất cần sự thay đổi ấy, cần hơn rất nhiều so với các cơ hội xuất khẩu”.
Ngoài đe dọa về thị trường, việc không có TPP còn mang đến một mối lo khác là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam. Cả nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và TS Nguyễn Đình Cung đều nhất trí đây là khả năng cần tính đến.
Tuy Hãng tin Nikkei của Nhật hồi tháng 8 có đưa tin từ Hong Kong về việc lãnh đạo Tập đoàn Texhong (một trong những nhà cung cấp sợi hàng đầu thế giới và cũng là nhà đầu tư nước ngoài về dệt may lớn nhất Việt Nam) khẳng định dù không có TPP vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, do những lợi thế về giá nhân công, giá điện và vị trí địa lý. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc không có TPP, sức hút đầu tư của Việt Nam giảm đi rõ rệt.