Ngậm ngùi ở vùng "quê tổ" vải thiều Việt Nam

Thứ Ba, 04/07/2017, 09:44
Không chỉ vựa vải Lục Ngạn (Bắc Giang) mới mất mùa thê thảm, mà ở vùng "quê tổ" của vải thiều - huyện Thanh Hà (Hải Dương), người trồng vải cũng đang ngậm ngùi trước một mùa vải thất bát.


Dọc tuyến đường tỉnh lộ 390 và các trục đường chính của huyện Thanh Hà vắng vẻ hơn mọi năm. Các vùng trọng điểm trong quy hoạch trồng vải thiều của Thanh Hà như Thanh Thuỷ, Thanh Xá, Thanh Sơn… đều hiu hắt cảnh người mua kẻ bán.

“Năm nào vải tổ không ra quả nghĩa là năm đó mất mùa”

Chúng tôi về xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà một ngày cuối tháng 6 nắng chói chang. Đây là quê tổ của cây vải thiều Việt Nam. Gần 200 năm trước, cụ Hoàng Văn Cơm đã trồng cây vải thiều đầu tiên tại xã Thanh Sơn và sau này, mọi người đã nhân giống để cây vải thiều được phát triển ở nhiều địa phương hơn. Những vườn vải xanh ngắt bao trùm dọc con đường đê của thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn. 

Thi thoảng lắm mới thấy vài ba chùm vải đỏ thấp thoáng giữa lá xanh bạt ngàn. Con đường vào thôn trở nên vắng vẻ, không còn cảnh người buôn nườm nượp như những năm trước.

Số vải chín hiếm hoi còn trên cây của ông Hoàng Văn Lượng. Ảnh: CTV.

Ông Hoàng Văn Lượng chỉ tay vào cây vải tổ rồi nói: “Năm nào vải tổ không ra quả nghĩa là năm đó mất mùa”. Cây vải tổ có gốc cây sần sùi và tán cây rộng, dài. Những năm vải tổ ra quả, tuy trái không to như những cây khác nhưng lại rất ngọt và hạt vải rất bé. Là gia đình có nhiều thế hệ trồng vải, bên cạnh việc trông coi cây vải tổ, ông Lượng còn có 5.000m2 đất trồng vải thiều với năng suất trung bình 5 tấn mỗi năm.

Năm nay ông chỉ thu hoạch được hơn 1 tấn vải thiều chính vụ. Ông Lượng cho biết: Năm nay thời tiết không ưu đãi nên vải mất mùa. Ai trồng vải lâu năm cũng biết điều này. Mùa vải năm 2016, tỷ lệ vải ra hoa đạt 100% còn năm nay thấp đến giật mình, chỉ đạt 30%.

Chỉ vào vườn vải xanh ngắt, không giấu nổi vẻ buồn rầu, ông Nguyễn Duy Nghĩa cho biết: Gia đình ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng vải. Vườn vải nhà ông năm nay tỷ lệ ra hoa chỉ được khoảng 40% so với những năm trước. Rất nhiều cây thậm chí còn không ra quả. “Thời tiết thay đổi quá thất thường, nắng nóng kéo dài rồi lại rét đậm, sau đó lại nắng đỉnh điểm nên cây vải không thể chịu nổi. Dù đã áp dụng những kỹ thuật trồng vải tiên tiến nhưng thời tiết vẫn là yếu tố quyết định. Năm nay nhà nào may mắn lắm thu hoạch được 2 tấn vải”, ông Nghĩa cho biết.

Tìm đến nhà anh Trần Thanh Quang ở xã Thanh Thuỷ, anh cho chúng tôi biết, dù đã dùng mọi biện pháp để kích thích cây ra quả nhưng kết quả vẫn không như ý. Vườn của anh Quang nằm ở dọc bờ đê với 100 gốc cây. Đây là vị trí rất thuận lợi cho việc trồng cây do nằm ở gần sông, được hưởng lượng phù sa nhiều.

Trung bình mỗi năm thu hoạch được gần chục tấn nhưng năm nay sản lượng của anh chỉ đạt gần 2 tấn. Thời tiết năm nay thất thường, có những biến động lớn. Nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm làm xáo trộn sinh trưởng và phát triển của cây vải. Mùa đông năm nay quá “ấm áp”, trong khi cây vải phải gặp thời tiết lạnh mới có thể ra hoa.

Với những người trồng vải giàu kinh nghiệm, họ cho biết để giúp cây vải hoa khi thời tiết ấm áp, không thuận lợi có thể sử dụng thuốc ủ hoa hay tiện gốc để kích thích cây. Tuy nhiên nếu thời tiết quá khắc nghiệt, phương pháp trên cũng không quá hiệu quả. Làm lồng kính lạnh cho vải ra hoa là cách hiệu quả nhất nhưng không phải ai cũng đủ kinh phí.

Cần một quy hoạch dài hơi cho cây vải

Toàn huyện Thanh Hà có 3.927ha vải, trong đó riêng vải sớm có hơn 1.300 ha đã thu hoạch xong. Vải thiều ra hoa muộn nên thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn mọi năm, dự kiến từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7. Do làm tốt công tác dự báo nên năm nay dù mất mùa nhưng bà con không bị động.

Từ tháng 2, nhận định tình hình thời tiết bất thường, Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Hà đã có những hướng dẫn và cảnh báo tới người dân trồng vải. Cán bộ huyện thường xuyên về các vườn để hướng dẫn người dân những phương pháp giúp cây vải chống chọi lại thời tiết thất thường. Sản lượng giảm nhưng chất lượng vải Thanh Hà không hề giảm sút. Trái vải Thanh Hà vẫn giữ được đặc trưng vốn có với lớp vỏ mịn, cuống bé, cùi vải dày, hương vị thanh mát. Rất may là hiện giá vải đang ở mức 35.000 đến 50.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng so với năm 2016.

Ở trong nước, hai thị trường chính của vải Thanh Hà là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đối với xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường truyền thống nhưng không còn giữ thế độc tôn như trước đây. Do bà con ý thức được việc trồng vải theo tiêu chuẩn cao sẽ thu về được lợi nhuận lớn nên trái vải Thanh Hà giờ đây đã đủ tiêu chuẩn vươn tới những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và năm nay sẽ mở rộng ra các thị trường ở Trung Đông và Bắc Mĩ. Vải mất mùa nhưng giá vải cao hơn chút nên bà con vẫn vớt vát lại được một vụ mùa kém may mắn.

Tình trạng mùa vải năm nay không phải là vấn đề mới mà đã lặp đi lặp lại nhiều năm. Gần đây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa được thành lập với sứ mệnh gắn sản xuất với định hướng thị trường. Hi vọng rằng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, việc phát triển cây vải nói riêng cũng như các loại nông sản khác sẽ đạt được nhiều khởi sắc trong những vụ mùa tới.

Nhật Trường
.
.
.