Làm gì để đánh thức tiềm năng du lịch Việt? (bài 2)

Thứ Bảy, 15/10/2016, 09:21
Từ một người mù chữ, hộ nghèo, sau 4 năm, gia đình anh Minh (dân tộc Thái) đã trở thành chủ hộ kinh doanh du lịch có tiếng, tiếp thu kiến thức du lịch rất tốt và năng động, linh hoạt trong việc điều hành kinh doanh và đón khách.

Bài 2: Đổi đời từ du lịch cộng đồng

Trong cái nắng hanh vàng của mùa thu, Mai Châu (Hòa Bình) đang chuẩn bị bước vào vụ mùa thu hoạch lúa. Trên những cánh đồng, người dân và du khách đang rộn ràng gặt lúa, những nụ cười và ngôn ngữ hình thể đã giúp họ gần nhau hơn, và hơn hết ai cũng vui, thật thoải mái.

Ông Pascale Masse, du khách Pháp cười rạng rỡ cho biết, vợ chồng ông tới xã Mai Hịch ở homestay nhà Minh Thơ được 2 hôm rồi, từ sáng sớm ra đồng gặt lúa với người dân trong thôn, chiều đi bè mảng trên sông và trải nghiệm văn hoá Thái, tìm hiểu cuộc sống người dân.

Mai Châu - Hòa Bình xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng.

Trước khi tới đây, ông có tìm hiểu thông tin trên mạng, và thấy cộng đồng chia sẻ thông tin rất tốt về trải nghiệm ở Mai Hịch. Trong chuyến đi Việt Nam, ông đã quyết định tới đây. “Thật thú vị từ cuộc sống của người dân và những trải nghiệm thật đáng nhớ”.

Từ trung tâm huyện Mai Châu tới Mai Hịch gần 15km, bỏ xa sự xô bồ và tốc độ đô thị hoá, con đường nhỏ, nếp nhà sàn và những cánh đồng nằm dưới thung lũng thơ mộng, người dân vẫn sống cuộc sống thuần nông thanh bình. Mai Hịch - một điểm đến “mới nổi” của Mai Châu nhưng đã để lại ấn tượng đẹp trong mắt du khách quốc tế khi tới đây trải nghiệm và khám phá.

Trong ngôi nhà sàn được bày biện gọn gàng, sạch sẽ từ phòng khách tới khu nhà bếp và nhà vệ sinh, anh Hà Công Minh, người Thái, chủ nhà homestay Minh Thơ ở thôn Hịch 2, điểm dừng chân được nhiều du khách lựa chọn, vui vẻ giới thiệu với du khách về các dịch vụ của gia đình và hỏi du khách về thực đơn để phục vụ.

Anh Minh cho biết, gia đình anh bắt đầu làm du lịch cộng đồng từ năm 2012, xuất phát từ gợi ý và hỗ trợ trực tiếp của dự án phát triển cộng đồng về xoá đói giảm nghèo của Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (Cohed).

Nhắc lại những ngày bắt đầu làm du lịch cộng đồng, anh Minh kể rằng, ban đầu cũng rất… sợ vì “vợ chồng tôi vốn mù chữ, quanh năm ở xóm làng chưa đi đâu xa, chưa gặp và giao tiếp với người nước ngoài bao giờ nên không biết gì về du lịch cả”. Nhưng nhờ có sự động viên của các cán bộ của Cohed về du lịch cộng đồng nên vợ chồng anh đồng ý tham gia. Khi quyết định đầu tư thì chính Cohed lại hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và quảng bá điểm đến cho gia đình.

Tại thôn Hịch 2, ngoài gia đình anh Minh, dự án Cohed còn hỗ trợ một số hộ khác phát triển du lịch cộng đồng. Từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, dân bản thấy được lợi ích và hiểu được du lịch làm đổi thay vùng đất này như thế nào nên dân rất ủng hộ trong việc giữ vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm và hoà đồng niềm nở đón khách.

Đời sống người dân đã có sự đổi thay rất lớn từ du lịch cộng đồng.

Từ một người mù chữ, hộ nghèo, sau 4 năm, gia đình anh Minh đã trở thành chủ hộ kinh doanh du lịch có tiếng, tiếp thu kiến thức du lịch rất tốt và năng động, linh hoạt trong việc điều hành kinh doanh và đón khách.

Trong câu chuyện, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe anh tính toán rằng: “Chỉ cần đón 1 đoàn khách nếu ở lâu thì bằng cả năm làm ruộng rồi; như nhà tôi năm 2013 đón 460 khách, 2014 đón 4.000 khách; 2015 đón 8.000 khách và 6 tháng đầu năm đón hơn 6.000 khách. Hiện nay, số khách đặt đã kín hết năm 2017.”

Quả thực, nhìn vào con số trên ai cũng thấy được sức hút của homestay ở Mai Hịch hấp dẫn như thế nào. Khách đến đây luôn phải đặt trước. Điểm thu hút khách chính là sự tự nhiên, bản làng vẫn giữ được nét hoang sơ, du khách đến đây được trải nghiệm thực tế với những sản phẩm tour gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Ở Mai Hịch, du khách đến bất kỳ ngày nào cũng có thể có những trải nghiệm thực tế theo mùa vụ từ cày, bừa tới cấy lúa, nhặt cỏ, thăm đồng, bắt cá tới đi bè mảng trên sông… đơn giản nhưng đó là cuộc sống thực của người dân, khi du khách và người dân cùng hoà vào một nhịp sống du lịch, tạo được dấu ấn thì sản phẩm du lịch thành công và có sức sống.

Chị Đào Thị Mai Hoa, Giám đốc Cohed cho biết, thôn Hịch 2 có hơn 200 hộ với hơn 500 khẩu, đến nay có 5 nhà đang làm homestay. Từ một bản thuần nông, dự án của Cohed đã tạo dựng và giúp người dân làm du lịch một cách chỉn chu nhất, trở thành điểm đến được du khách Pháp, châu Âu và Tây Âu lựa chọn. Đời sống người dân đã có sự đổi thay rất lớn từ du lịch cộng đồng, từ đó nhận thức về du lịch và xoá đói giảm nghèo cũng được nâng lên rất nhiều. Mai Hịch ngày hôm nay có thể nói là thành công bước đầu trong việc xoá đói giảm nghèo và phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Xây dựng sản phẩm du lịch từ chính bản sắc của từng dân tộc đã đem lại hiệu quả cao. Mai Châu - Hòa Bình nổi bật với sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Năm 2015, Hoà Bình đón hơn 2,5 triệu lượt khách, trong đó hơn 340 nghìn lượt khách tới Mai Châu. 9 tháng 2016 hơn 1,8 triệu lượt khách đến với Hoà Bình.

Có thể thấy, du khách đến với Mai Châu nói riêng và Hoà Bình nói chung ngày một tăng, đời sống của người dân từ thuần nông trở thành một xã, bản làm du lịch là cả bước chuyển mình lớn ở thung lũng Mai Châu.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hòa Bình Lưu Huy Linh cho rằng, khách đến ngày một tăng là điều tốt, thúc đẩy văn hoá, kinh tế - xã hội cùng phát triển, tuy nhiên khách còn chi tiêu ít, lưu trú ngắn, chưa tạo được lực đẩy cho ngành du lịch phát triển.

Thực tế có thể thấy, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa có định hướng xây dựng 1 sản phẩm mang tính đặc trưng riêng và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Trong thời gian tới, ngành du lịch Hoà Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu cùng với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các sản phẩm đặc trưng. Lễ hội và chợ phiên vùng cao mang dấu ấn của vùng để thu hút du khách.

Lưu Hiệp
.
.
.