Kịch bản đối phó nếu Fed tăng lãi suất
- Thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, lãi suất có xu hướng giảm
- Ngăn chặn sở hữu chéo để lành mạnh thị trường tiền tệ
- 7 “phương thuốc” của NHNN để ổn định thị trường tiền tệ
Ba yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của Fed
Điều này có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cho đến thời điểm này, dường như mọi yếu tố đều đã “chín muồi” để việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ diễn ra. Vậy, Việt Nam sẽ chịu tác động gì và cần phải “đối phó” như thế nào?
Một bản báo cáo đánh giá khả năng tăng lãi suất của FED trong tháng 12-2015 vừa được nhóm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố. Để làm căn cứ cho đánh giá của mình, điểm đầu tiên mà nhóm nghiên cứu tập trung phân tích là 3 yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng đến quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed.
Trước hết, thị trường việc làm tại Mỹ đã và đang cho thấy sự cải thiện rõ nét ở trên cả hai khía cạnh: số lượng việc làm được tạo mới và tỷ lệ thất nghiệp. Số lượng việc làm mới tại Mỹ trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt bình quân 205 nghìn/tháng, tăng 56% so với giai đoạn 2003-2007. Tháng 10-2015, số việc làm mới bất ngờ đạt con số 271 nghìn, tăng gần gấp đôi so với tháng trước đó.
Yếu tố thứ hai là lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ nhìn chung vẫn duy trì ở mặt bằng thấp, nhưng đã có dấu hiệu nhích lên trong năm 2015. Tháng 10, lạm phát tăng 0,2% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lạm phát lõi của Mỹ (loại bỏ các mặt hàng năng lượng và lương thực) đã lấy lại đà tăng từ cuối năm 2010, và chủ yếu đi ngang trong biên độ 1,5% - 2%.
Yếu tố thứ ba là thị trường quốc tế, trong đó, những diễn biến của kinh tế Trung Quốc luôn được để mắt tới trong các quyết định của Fed. GDP Trung Quốc trong quý 3/2015 chỉ tăng 6,9%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua; tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu chậm lại, khi tháng 10-2015, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc giảm 6,3%, kim ngạch nhập khẩu giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Bởi vậy, lần thứ 6 liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, khi hạ lãi suất tiền vay 1 năm thêm 0,25%, xuống còn 4,35%; và lần thứ tư liên tiếp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, xuống mức 17,5% vào cuối tháng 10 vừa qua. Ở Nhật, một cuộc suy thoái đang tràn vào nước này. Trong quý 2 và 3/2015, Nhật tăng trưởng âm liên tiếp với mức -0,2%; lạm phát chỉ tăng nhẹ 0,1% so với tháng 8 và 0% so cùng kỳ năm trước…
Ba kịch bản và hai đề xuất
Trước khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng này, nhóm nghiên cứu BIDV đã đưa ra 3 kịch bản.Thứ nhất là kịch bản cơ sở, được dự báo với xác suất 50%: Fed thực hiện nâng lãi suất 0,25%; đồng thời giữ nguyên/giảm nhẹ dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9-2015 (khoảng 0,25%) và có thể tăng thêm 0,75% năm 2016.
Việt Nam cần đẩy mạnh chống đô la hoá, hạn chế tiêu cực từ các biến động thị trường quốc tê. |
Theo kịch bản này, việc làm và lạm phát là hai vấn đề quyết định Fed nâng lãi suất hay không. Về tổng thể, tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang cách xa mục tiêu 2%, nhưng lạm phát cơ bản đang xoay quanh khoảng 1,5% - 2%, kết hợp với diễn biến tích cực của thị trường việc làm, thì rõ ràng Fed có những lý do phù hợp để đưa ra quyết định nâng lãi suất.
Kịch bản thứ hai mà nhóm đưa ra, với dự báo xác suất 35%: Fed nâng lãi suất 0,25% trong kỳ họp tháng 12-2015; đồng thời, giảm mạnh dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9-2015 (khoảng 0,5%); có thể tăng thêm 0,5% năm 2016. Và kịch bản thứ ba, xác suất khoảng 15%, là Fed trì hoãn quyết định nâng lãi suất sang đầu năm 2016; đồng thời giảm mạnh dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9-2015 (khoảng 0,5%); có thể tăng 0,5% năm 2016.
Từ những kịch bản này, nhóm nghiên cứu đưa ra hai nhóm giải pháp. Thứ nhất, trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xây dựng kịch bản thị trường và giải pháp ứng xử cho năm 2016 cùng các thông điệp điều hành về lãi suất, tỷ giá trong năm tới. Đồng thời, Bộ Tài chính nên nghiên cứu phát hành sớm trái phiếu quốc tế vào đầu 2016, tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi với chi phí vốn hợp lý.
Còn đối với trung, dài hạn, NHNN cần tích cực đẩy mạnh chống đô la hoá, hạn chế tiêu cực từ các biến động thị trường quốc tế; nghiên cứu, xem xét đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn. Với Bộ Tài chính, cần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường vốn nội địa để nâng cao khả năng huy động vốn trong nước, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động bên ngoài.
“Với dự báo USD tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế trong tháng 12 cộng với các yếu tố mùa vụ về mặt nhập siêu, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng, thì thị trường ngoại hối dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khá căng thẳng. Trong đó, yếu tố rủi ro lớn nhất tiếp tục đến từ diễn biến của USD cũng như nhân dân tệ trên thị trường quốc tế. VND có thể giảm giá thêm khoảng 3-4% so với USD và tỷ giá USD/VND tăng vượt qua mức 23.000 đồng”- BIDV cho biết. |