“Hâm nóng” xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam - Australia

Chủ Nhật, 19/03/2017, 09:19
Dù trái cây nội địa rất phong phú với nhiều chủng loại nhưng nhu cầu của người tiêu dùng Việt đối với trái cây nhập từ nước ngoài vẫn cực kỳ lớn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bình quân mỗi tháng Việt Nam chi hơn 80 triệu USD để nhập khẩu (NK) rau quả; riêng trong hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi 164 triệu USD để nhập khẩu rau quả từ hàng chục nước, trong đó tiêu biểu là Australia, Mỹ, Chile, New Zealand, Thái Lan, Trung Quốc…

Được nhận định là một trong những nhà cung cấp lớn về mặt hàng trái cây vào Việt Nam, tuy nhiên, cánh cửa XK trái cây của Australia sang thị trường Việt Nam bị khép lại từ ngày đầu năm 2015 khi Việt Nam chính thức tạm ngừng nhập khẩu 38 loại trái cây có xuất xứ từ thị trường này. Động thái này xuất phát từ những lo ngại về bệnh dịch ruồi có trong trái cây tươi NK của Australia. Điều này đã gây một số quan ngại cho thị trường khi nhu cầu của người tiêu dùng với trái cây Australia vẫn rất lớn. 

Ông Minh Phúc, quản lý của Elwood Resort Phú Quốc cho hay: “Nhu cầu của người tiêu dùng Việt về trái cây NK đặc biệt là các trái cây có nguồn gốc rõ ràng, có lợi cho sức khoẻ mà khí hậu miền nhiệt đới của Việt Nam không có chẳng hạn như cherry của Australia, là rất lớn. 

Bên cạnh đó, Australia là một nước rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn VSATTP, điều đó khiến cho thị trường đặt niềm tin cao vào chất lượng sản phẩm, do đó nhu cầu tiêu thụ trái cây NK từ Australia vẫn tăng nhanh dù giá cao”.

Các mặt hàng trái cây Australia phong phú đa dạng, thu hút người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.

Trước khi bị tạm ngừng NK, rau quả từ Australia sang Việt Nam, cụ thể năm 2014 đạt khoảng 40 triệu đô la Australia. Lượng trái cây Việt Nam nhập khẩu từ Australia chiếm khoảng 10% - 15% tổng lượng trái cây NK của Việt Nam. 

Trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã NK trên 2.000 tấn trái cây từ nước này với loại trái cây phổ biến là táo, lê, nho và cherry. Thực tế này cho thấy Australia là một trong những nhà cung cấp trái cây lớn nhất vào Việt Nam.

Tình hình xuất nhập khẩu (XNK) hai nước đã có phần khả quan hơn sau đó. Cụ thể, từ ngày 1-8-2015, Việt Nam chính thức mở cửa NK trở lại 3 loại trái cây là cam, quýt và nho từ Australia. 

Cả Việt Nam và Australia vẫn đang thảo luận các biện pháp nhằm gỡ bỏ các hàng rào kiểm dịch thực vật, mở cửa thêm 35 loại trái cây tươi khác của Australia vào Việt Nam. 

Động thái này không những “mở cửa” cho trái cây Australia trở lại Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu thị trường nội địa, mà ngược lại Việt Nam cũng đã được đáp trả tích cực từ phía Australia khi nước này cũng đã nới rộng cơ hội cho trái cây Việt Nam nhập khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này. Cụ thể, Australia cũng đã mở đường cho NK vải (từ tháng 5-2015) và xoài của Việt Nam sang Australia (từ tháng 9-2016). 

Và từ đầu năm 2017, Australia đã đồng ý về nguyên tắc cho phép NK thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại của Việt Nam với điều kiện phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học. Sau các mặt hàng trên thì các mặt hàng trái cây khác như chanh leo, nhãn, vú sữa vẫn đang được Việt Nam kỳ vọng có thể XK sang thị trường Australia. 

Trong bối cảnh hiện tại, khi các mặt hàng chủ lực truyền thống khác đang gặp khó khăn, thì XK nông sản, đặc biệt là trái cây như vải, nhãn, chuối, xoài, dưa hấu, thanh long… vẫn đang phát triển mạnh mẽ và động thái thiện chí của Australia cũng đã đóng góp cho công cuộc nâng cao kim ngạch XK mặt hàng trái cây của Việt Nam. 

Theo Bộ Công Thương, mặt hàng rau quả được nhận định còn nhiều tiềm năng phát triển, thậm chí có thể gia tăng kim ngạch XK gấp nhiều lần so với hiện tại và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những mặt hàng XK chủ lực của quốc gia. 

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thống kê từ Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan thì kim ngạch XK rau quả của Việt Nam năm 2016 ước khoảng 2,423 tỉ USD, đạt 131,54% so với cùng kỳ năm 2015, với kết quả xuất siêu 1,505 tỉ USD. Và với thị trường đầy tiềm năng và khó tính như Australia thì kim ngạch XK trái cây Việt Nam vẫn tăng mạnh mẽ đến 39% trong năm 2016 vừa qua.

Phạm Huy Hoàng
.
.
.