Hà Nội ra quân xử lý rượu không nguồn gốc

Thứ Hai, 13/03/2017, 09:38
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 12-3, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Trước tình hình ngộ độc rượu diễn biến phức tạp, từ ngày 2-3, lực lượng Quản lý thị trường TP đã đẩy mạnh kiểm tra thị trường này.

Đến ngày 11-3, lực lượng Quản lý thị trường TP đã phát hiện tịch thu 17.271 lít rượu thủ công, không rõ nguồn gốc. 

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở nấu rượu thủ công tại Chương Mỹ. Ảnh: T.D..

Đáng chú ý, sau khi Thủ tướng có Công điện ngày 10-3 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và rượu nói riêng; có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với rượu, ngay ngày 11-3, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất và nơi tiêu thụ rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Đội QLTT số 25 qua kiểm tra đã phát hiện hộ nấu rượu thủ công của ông Lại Văn Bằng (tại thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ) đang dự trữ 3.800 lít rượu tự nấu (gồm 2.200 lít rượu trắng, 800 lít nếp cẩm, 800 lít rượu nếp cái).

Tại thời điểm kiểm tra, ông Lại Văn Bằng có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận kiến thức VSATTP, giấy khám sức khỏe... nhưng không có giấy phép sản xuất rượu, chưa xuất trình giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Đội QLTT số 25 đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ số rượu trên và lấy mẫu kiểm định chất lượng sản phẩm.

Thông tin từ Chi cục QLTT cũng cho biết: Từ ngày 4 đến 10-3, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 158 vụ sản xuất rượu, qua đó đã xử lý 87 vụ với số tiền phạt 258,55 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm là hơn 158 triệu đồng; tạm giữ, tịch thu 17.271 lít rượu và 155 chai rượu các loại.

Hiện còn 60 vụ vẫn đang trong quá trình xử lý. Tiêu biểu có một số vụ như sau: Ngày 9-3, Đội QLTT số 6 kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu Nguyễn Văn Khương (ở địa chỉ Ngõ 129, tổ dân phố số 10, Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) đã tạm giữ 1.090 lít rượu không rõ nguồn gốc, gồm: rượu ngâm ba kích, rượu ngâm chuối hột và rượu ngâm táo mèo.

Chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số rượu trên, cho biết toàn bộ rượu được thu mua từ Hưng Yên để bán lại kiếm lời. Ngày 10-3, Đội QLTT số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh cồn rượu ở thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, Phú Xuyên, đã phát hiện tạm giữ 9.760 lít cồn và lấy mẫu hàng hóa trên để giám định chất lượng.

Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, nguyên nhân chủ yếu là do uống rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc với lượng methanol cao gấp nhiều lần cho phép.

Trước tình trạng này, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng xây dựng chính sách, quản chặt rượu nấu thủ công, không rõ nguồn gốc. Trước đó, việc quản lý sản xuất rượu thuộc chức năng của Bộ Công Thương theo Nghị định 94/2012.

Tuy nhiên, việc sản xuất rượu thủ công ở hộ gia đình hiện đang bị buông lỏng, không có ai quản lý, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Theo thông tin chúng tôi được biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thấy được bất cập này, thời gian tới sẽ kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 94 theo hướng quản chặt các cơ sở nấu rượu thủ công không phép.

V.H.
.
.
.