ĐBSCL: Quyết đẩy lùi nạn bơm tạp chất vào tôm

Thứ Năm, 29/06/2017, 08:47
Tại Hội nghị “Phát triển ngành tôm Việt Nam”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Cà Mau ngày 6-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm nước, bơm tạp chất… vào tôm để trục lợi bất chính.


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, đoàn công tác của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), phối hợp với các cơ quan chức năng, tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh thủy sản tại một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua đó, phát hiện, bắt quả tang nhiều cơ sở đang bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Bơm tạp chất, thu lợi “khủng”

Từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu kiểm tra 430 đợt, phát hiện 219 trường hợp vi phạm với gần 74.000 tấn tôm chứa tạp chất (chủ yếu là thạch rau câu). Trong đó, tổ chức bơm tạp chất vào tôm 39 trường hợp, thu gom tôm có chứa tạp chất 35 trường hợp, vận chuyển tôm có chứa tạp chất 145 trường hợp. 

Gần đây nhất, chiều 10-6, Cục C49 (Bộ Công an), phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT, Công an tỉnh Bạc Liêu, kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh của bà Phạm Thị Mộng (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Tại đây, Đoàn kiểm tra bắt quả tang cơ sở này đang tổ chức cho 5 nhân công bơm tạp chất thạch rau câu (Agar) vào 300kg tôm sú và tôm thẻ. 

Cùng lúc, mũi kiểm tra thứ hai bất ngờ xuất hiện tại nhà ông Lê Văn Bông (cùng xã Vĩnh Phú Tây), tiếp tục bắt quả tang 7 nhân công đang bơm thạch rau câu vào 500kg tôm.

Cục C49 (Bộ Công an) và Công an tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang vụ bơm tạp chất vào tôm ngày 29-5.

Trước đó gần hai tuần, Cục C49, phối hợp với cơ quan chức năng bắt quả tang ông Bùi Văn Minh (36 tuổi, ngụ xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cho nhân công bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm tăng trọng lượng để thu lợi bất chính. 

Ông Minh khai nhận, bột rau câu được mua ở chợ với giá 28.000đ/gói 100 gram. Cứ 3 gói bột rau câu nấu được 50kg thạch đặc và bơm được 1 tấn tôm nguyên liệu. Cơ sở này thừa nhận đã bơm tạp chất vào tôm từ 3 tháng, nhằm tăng khối lượng và kích thước tôm. Bằng thủ đoạn này, chỉ với 90.000 đồng sẽ thu lời thêm 30% trên mỗi tấn tôm. Nhiều doanh nghiệp sơ chế tôm nguyên liệu giàu lên nhanh chóng do làm ăn bất chính. 

Theo Công an Bạc Liêu, từ đầu năm 2017 đến nay, kiểm tra đột xuất tại các hộ kinh doanh thủy sản ở Bạc Liêu, Cục C49 và Công an tỉnh đã phát hiện 9 vụ bơm tạp chất vào tôm.

Tại tỉnh Cà Mau, cuối năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – ông Nguyễn Tiến Hải, ký quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Quốc Ái (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) với số tiền 552 triệu đồng. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp này là thu gom, bảo quản, kinh doanh tôm chứa tạp chất và tái phạm nhiều lần.  

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Cà Mau, ngoài Công ty Quốc Ái, từ năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện trên 50 vụ vi phạm tôm tạp chất. Tổng số tôm vi phạm lên đến gần 10 tấn. 

Ngoài những vụ bắt quả tang tại cơ sở thu mua tôm nguyên liệu, ngành chức năng cũng rất nhiều lần bắt quả tang số lượng lớn tôm bị bơm chích tạp chất trên đường đi tiêu thụ. Điều lạ là hầu như số tôm nói trên không được làm rõ nguồn gốc và giao cho xí nghiệp nào chế biến (!?). 

Cụ thể, ngày 14-3 vừa qua, Thanh tra Sở NN&PTNT, Phòng CSGT Đường bộ Công an Bạc Liêu bất ngờ dừng xe tải BKS 94L -7472, phát hiện lô hàng 1,4 tấn tôm có chứa tạp chất Agar. Tài xế xe Trương Thanh T. khai lô tôm trên được chở từ thị xã Giá Rai đến TP Bạc Liêu, nhưng không rõ giao cho ai (!?).

Tuyên chiến với nạn bơm tạp chất vào tôm

Việc bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm, nhất là tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang. Các địa phương này cũng đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, những vụ do cơ quan chức năng phát hiện, hầu hết tài xế đều khai chở thuê và không biết giao cho ai (không địa chỉ). 

Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Phó trưởng Phòng 5, C49 cho biết: “Các đối tượng thường chọn nơi hẻo lánh, một mặt giáp sông và có địa hình phức tạp để nhanh chóng tẩu tán tang vật khi bị phát hiện. Mặt khác, khi tôm bị bơm tạp chất thạch rau câu này sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Shigeiila bệnh kiết lỵ, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Còn ông Phan Thanh Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng (Sở NN&PTNT Sóc Trăng), khẳng định: Hiện, Sóc Trăng có 100 cơ sở thu gom tôm đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp phép hoạt động. Các cơ sở này nằm trong sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng, nên việc kiểm tra, giám sát thu mua tôm đảm bảo chất lượng, không xảy ra tình trạng bơm tạp chất vào tôm. 

Hơn nữa, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy tình trạng bơm tạp chất vào tôm thường xảy ra với trường hợp nuôi quảng canh, nhỏ lẻ với số lượng ít. Còn Sóc Trăng là nơi nuôi tôm quy mô công nghiệp, mỗi đợt thu hoạch hàng chục, hàng trăm tấn, nên việc bơm tạp chất vào tôm rất khó xảy ra. 

Theo ông Chiến cho biết, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh tôm nguyên liệu; không tham gia bơm tạp chất vào tôm và tích cực tố giác những đối tượng vi phạm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm các cơ sở thu mua, sơ chế, các điểm thu gom, vận chuyển tôm nguyên liệu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đề xuất các giải pháp, chấn chỉnh hành vi vi phạm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất, truy xuất nguồn gốc tôm nguyên liệu bị phát hiện có tạp chất.

Tại cuộc họp ký cam kết trách nhiệm đấu tranh với nạn bơm tạp chất vào tôm ở Bạc Liêu mới đây, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: 

“Việc cam kết không đưa tạp chất vào tôm không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với quốc gia mà còn là trách nhiệm với chính mình. Tỉnh Bạc Liêu được Trung ương chọn là tỉnh trọng điểm của quốc gia về tôm, nhưng cứ để xảy ra tình trạng tôm tạp chất thì còn gì danh hiệu này nữa. Tôi đề nghị các địa phương sau cam kết, cần tập trung làm quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng tôm tạp chất”.

Đức Văn
.
.
.