Có còn cơ hội giảm lãi suất cho vay?

Thứ Ba, 23/06/2015, 07:59
Lãi suất huy động có xu hướng quay đầu tăng, trong khi lãi suất cho vay vẫn chưa giảm như kế hoạch đề ra là từ 1-1,5% cho kỳ dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, xem ra cơ hội giảm lãi vay càng ngày càng ít, trong khi với doanh nghiệp (DN), lãi vay hiện vẫn đang ngoài tầm với.

Sau một thời gian liên tục giảm sâu, thị trường tài chính đã ghi nhận sự quay đầu tăng giá của lãi suất huy động tại nhiều nhà băng lớn vào cuối tháng 5. Tại BIDV, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng từ 0,2-0,5% tùy từng kỳ hạn. 

Trong khi một “ông lớn” khác là Vietinbank, lãi suất huy động tăng cao nhất là 0,3%. Còn tại Agribank, kể từ ngày 2/6, nhà băng này đã tăng khá mạnh lãi suất huy động đối với tiền gửi bằng VND với các kỳ hạn dài, mức tăng từ 0,3-0,5%/năm tùy từng kỳ hạn.

Mức lãi suất huy động cao nhất lên đến 6,8%/năm. Với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, tại ACB, từ ngày 25/5, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6-36 tháng tăng 0,2%. Eximbank cũng nâng lãi suất 6 và 9 tháng thêm 0,2%, riêng kỳ hạn 12 tháng lãi suất tăng mạnh nhất, từ 5,8% lên 6,2% một năm... 

Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng cao nhất thị trường là 7,3% một năm áp dụng tại Ngân hàng Xây dựng và Dầu khí Toàn cầu, cao hơn mặt bằng chung của các ngân hàng khoảng 0,7-1 điểm phần trăm.

Lãi suất huy động có xu hướng tăng.

Trong văn bản cập nhật số liệu của mình, NHNN cho biết, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Từ 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. 

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung, dài hạn. Với số liệu này, nhìn lại việc điều chỉnh lãi suất tại các ngân hàng kể từ đầu năm có thể thấy, lãi suất huy động thời điểm từ nửa đầu tháng 5 trở về trước được các ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng giảm, nhưng lãi suất cho vay, nhất là các khoản vay trung, dài hạn vẫn đang neo ở mức cao. 

Còn từ cuối tháng 5 trở lại đây, lãi suất huy động có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay vẫn chưa có biến động gì, dù ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã tuyên bố sẽ “kéo” lãi suất cho vay các khoản trung và dài hạn hạ thêm từ 1-1,5% để hỗ trợ DN vay vốn. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, nếu lãi suất huy động tăng theo xu hướng thì lãi suất cho vay không những khó hạ, mà trong tương lai có thể sẽ lại quay đầu tăng giá.

Lãi suất cho vay (nếu) tăng, đối tượng lo lắng nhất đó chính là các DN, bởi ở nền kinh tế Việt Nam, khi vốn kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào nguồn vay ngân hàng thì lãi suất tăng giảm sẽ quyết định sự sống còn của họ. Đặc biệt, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, lãi suất hạ đồng nghĩa với “cứu cánh” cho DN khỏi nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, với mặt bằng hiện tại, nhiều DN cho rằng, lãi suất vẫn ngoài tầm với của họ.

Chị Hoa, kế toán trưởng của một công ty chế biến và xuất nhập khẩu cho biết, trong thời điểm hiện nay, phần lớn DN không dễ đạt lợi nhuận 10%. Thế nhưng, kể cả khi đã liên tục hạ lãi suất cho vay thì kể cả đầu từ năm 2015, DN của chị vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 10,5%, trong khi các khoản vay cũ cũng gần như không giảm. Vì thế, lợi nhuận bao nhiêu đem “cống” cho các nhà băng gần hết, số dư còn lại không đủ trả lương cho người lao động, chứ chưa nói đến hàng trăm chi phí, khấu hao khác. 

“Trong thời điểm này, chúng tôi chỉ có thể gắng gượng để không bị phá sản, còn cơ hội phát triển là rất ít. Hơn nữa, khi lãi suất huy động tăng, kỳ vọng lãi suất cho vay giảm gần như không còn, thậm chí còn đứng trước nguy cơ lãi suất quay đầu tăng, khiến chúng tôi rất lo lắng”, chị Hoa chia sẻ. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất cho vay nếu được 7% thì DN có thể phát triển tốt, từ 8-9% thì vẫn trong ngưỡng DN có thể chịu đựng được, còn trên 10% như hiện nay thì vẫn rất khó khăn.

Thực ra, nguy cơ khó giảm lãi suất cho vay đã có nhiều tín hiệu từ các đây mấy tháng, khi tỷ trọng giữa huy động và cho vay của các nhà băng rơi vào tình trạng mất cân đối. Trong báo cáo của mình, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lãi suất có dấu hiệu tăng vì đang chịu sức ép do huy động của hệ thống tổ chức tín dụng tăng chậm hơn cho vay. Cơ quan này dẫn số liệu tính đến 31/3/2015, tổng huy động chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng, tăng 0,98% so với đầu năm.

Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm. Tăng trưởng huy động thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng khá, đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% của tháng 12-2014. Mặt khác, với tác động của việc tăng giá điện và giá xăng, trong 2 tháng trở lại đây, chỉ số CPI đang tăng trở lại cũng tác động tới xu hướng điều chỉnh lãi suất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một phần chịu tác động từ tỷ giá. Mặc dù NHNN cam kết giữ tỷ giá ổn định, không điều chỉnh quá 2% cho cả năm, nhưng đến thời điểm này đã thực hiện điều chỉnh hết mức dự kiến. Do đó, áp lực giữ tỷ giá trong giai đoạn cuối năm là rất lớn. Điều này cũng tạo ra xu hướng rút tiết kiệm để mua USD tích trữ. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ phải nâng lãi suất lên để hút nguồn vốn. Một lý do khác khiến lãi suất huy động tăng được cho là sự “điều chỉnh kỹ thuật” từ cơ quan quản lý là “thắt chặt tiền tệ”: trong tháng 5, NHNN hút ròng trên thị trường mở (OMO - thông qua phát hành trái phiếu) một lượng lớn tiền. Điều này có thể làm cho một số ngân hàng bị hụt thanh khoản phải vay trên thị trường liên ngân hàng và một số buộc phải tăng lãi suất tiền gửi.

PV
.
.
.