Cân đối thu nhập để vay tiêu dùng an toàn

Thứ Sáu, 25/12/2015, 08:50
Bài toán cân đối tài chính khi vay tiêu dùng là điều mà người tiêu dùng nên cân nhắc để vừa thỏa mãn nhu cầu mua sắm vừa an toàn khi trả nợ.


Cuối năm là thời điểm nhộn nhịp của cho vay tiêu dùng khi nhu cầu mua nhà ở hay phương tiện đi lại, vật dụng trong gia đình ngày một gia tăng. Tuy nhiên, đặc điểm của vay tiêu dùng là lãi suất cao hơn mức thông thường. Bài toán cân đối khi vay tiêu dùng là điều mà người tiêu dùng nên cân nhắc.

Nhà anh Vũ Trung Hiếu (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vừa mua thêm chiếc xe máy, vì vợ anh đi làm xa. Một chiếc xe máy như trước kia là chưa đủ bởi công việc chính của anh Hiếu là chạy xe ôm. Anh Hiếu quyết định tìm đến công ty tài chính để vay tiền mua xe. Chiếc xe trở thành phương tiện mưu sinh chính của gia đình bởi thu nhập từ chạy xe ôm chiếm đến hơn một nửa thu nhập của cả hai vợ chồng. 

“Từ ngày có thêm xe máy, vợ đi làm, thu nhập của cả 2 vợ chồng khoảng chục triệu đồng mỗi tháng. Chi phí sinh hoạt, nuôi con hết khoảng 4 triệu đồng. Rồi còn phải chi tiêu các việc khác như đám cưới, ma chay, thăm hỏi… Số tiền dư lại được khoảng 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy tôi vừa có thể trả nợ, vừa dành dụm được một ít”, anh Hiếu cho biết.

Cân đối kế hoạch chi tiêu hằng tháng là bài toán với người tiêu dùng.

Khác với anh Hiếu, anh Nguyễn Anh Tuấn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bán hàng quần áo trực tuyến. Mỗi lần nhập đợt hàng mới, Tuấn phải xoay xở để có khoảng 20 triệu đồng. Tuy vậy, bài toán cân đối chi tiêu để trả nợ cũng làm Tuấn đau đầu bởi áp lực trả lãi. “Mỗi tháng tôi kiếm được 3 triệu đồng tiền lãi, sau khi trừ đi số tiền vay từ các nguồn bên ngoài (2 triệu đồng/tháng), chỉ còn lại 1 triệu. Với số tiền còn lại này cũng không còn được bao nhiêu bởi phải trả chi phí nhân công, chi phí cho đợt hàng hóa tiếp theo”.

Theo các chuyên gia, khi cần nguồn vốn để kinh doanh nhỏ thì việc tiếp cận nguồn tín dụng tiêu dùng cũng là một giải pháp bởi đây là nguồn vay tín chấp. Hiện trên thị trường có 2 kênh cho vay tài chính chính thức là vay tín chấp qua ngân hàng thương mại và vay tín chấp qua một số công ty tài chính độc lập. 

Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, tuy lãi suất vay tiêu dùng của công ty tài chính cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại nhưng với thủ tục, điều kiện thông thoáng thì người đi vay có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, đặc biệt trong những trường hợp cấp bách. Còn sở dĩ mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao vì đây là hình thức cho vay tín chấp với mức độ rủi ro cao, không có tài sản thế chấp.

Vay tín chấp tiêu dùng cá nhân, người vay có thể dùng chính lương của mình để trừ đều vào khoản nợ, không có rủi ro, nó cũng giống như một cách tiết kiệm. Tuy nhiên, làm sao để cân đối khoản vay hay các phương thức trả lãi là điều người tiêu dùng nên tính đến. Bên cạnh đó cũng cần có một kế hoạch chi tiêu để vừa có thể trả nợ mà vẫn có thể tích lũy.

Các chuyên gia tài chính đã tư vấn người tiêu dùng nên xây dựng kế hoạch tài chính như sau: Chia đều thu nhập của mình vào 5 quỹ: Ăn uống, kết bạn, đi học, du lịch và đầu tư. Trong đó, dành 1/3 thu nhập cho quỹ ăn uống; Quỹ kết bạn gồm tiền điện thoại, tiền dành cho những lần tụ họp bạn bè, ăn uống, lý tưởng có thể dành cho quỹ này khoảng 15% thu nhập; 15% dành cho quỹ đi học, dùng để mua sách vở, nâng cao kiến thức hoặc cao hơn là những khóa học nâng cao trình độ; 10% cho quỹ du lịch, nên đi du lịch ít nhất 1 lần/năm, do đó mỗi tháng chỉ cần để dành 1/10 thu nhập để dành cho các chuyến du lịch. Quỹ để đầu tư hoặc tích lũy quan trọng không kém quỹ ăn uống, có thể dành 20% thu nhập cho quỹ này.

Việc phân bổ thu nhập vào các quỹ sẽ giúp người tiêu dùng quản lý tài chính tốt hơn mà vẫn đảm bảo việc thực hiện kế hoạch bản thân hoặc trả nợ. Kế hoạch tài chính luôn là điều phải cân nhắc, nhất là vào dịp cuối năm có rất nhiều khoản phải chi tiêu.

Khánh An
.
.
.