Viết tiếp vấn đề “Xử lý tài sản bảo đảm”:

Cần đạo luật để xử lý tài sản bảo đảm, khơi thông tín dụng

Thứ Tư, 14/12/2016, 08:07
Nếu quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng được thực thi có hiệu lực và hiệu quả thì không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay và cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế.

Báo CAND đề cập vấn đề xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). Chúng tôi tiếp tục thông tin nhằm làm rõ những vướng mắc để cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét. Giải quyết nút thắt xử lý TSBĐ là giải quyết được phần lớn nợ xấu của nền kinh tế, vì 90% khoản nợ xấu có TSBĐ. Nếu quyền xử lý TSBĐ của tổ chức tín dụng (TCTD) được thực thi có hiệu lực và hiệu quả thì không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay và cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế.

Xử lý TSBĐ: Vì lợi ích của cả nền kinh tế

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đã phân tích về quyền xử lý TSBĐ của TCTD dưới góc nhìn kinh tế.

Theo đó, bản chất kinh tế của quyền xử lý TSBĐ tại TCTD là quyền đối với TSBĐ nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu gây ra. Tâm lý phổ biến trong xã hội cũng như ngay cả trong cơ quan chức năng là quyền xử lý TSBĐ là quyền đặc hữu của TCTD, thậm chí là phục vụ lợi ích nhóm của giới tài chính ngân hàng, bất chấp quyền và lợi ích của người đi vay.

Bên cạnh đó, những quy định pháp lý mang tính đặc thù về quyền và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất đai nói riêng, bất động sản nói chung cũng như hệ thống quy định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của TCTD khiến việc xử lý TSBĐ của TCTD gặp không ít khó khăn.

Xử lý TSBĐ giúp khơi thông “cục máu đông” cho nền kinh tế.

Theo nhận định của TS Ánh, xử lý được TSBĐ giúp TCTD xử lý được nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo chuẩn quốc tế và quy định của NHNN. Quan hệ tín dụng với các khách hàng có nợ xấu có cơ hội được phục hồi và cải thiện sau khi TSBĐ được xử lý tốt, không những bù đắp toàn bộ thiệt hại gây ra từ nợ xấu cho TCTD, mà còn có thể có nguồn lực tài chính bổ sung cho người đi vay giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và một lần nữa trở thành khách hàng tốt của các TCTD.

Đối với người đi vay, TSBĐ được xử lý tốt không những giúp cho người đi vay cải thiện được vị thế trên thị trường tín dụng ngân hàng, dứt điểm cởi bỏ gánh nặng nợ xấu đeo đẳng, sớm có cơ hội phục hồi hoặc tạo ra cơ hội kinh doanh mới và còn có thể thu hồi được một phần giá trị TSBĐ sau khi đã được xử lý tốt.

Đối với nền kinh tế, việc các TCTD xử lý thành công TSBĐ để giải quyết nợ xấu không chỉ giúp xử lý ngay và dứt điểm hàng loạt khoản nợ xấu, khơi thông thị trường tín dụng ngân hàng, mà còn hoạt hóa được khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm bất động trong các tranh chấp giữa người cho vay với người đi vay, tăng thêm nguồn cung cho thị trường BĐS, thị trường tài chính và cả thị trường hàng hóa từ việc xử lý TSBĐ, qua đó mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế.

Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu được xử lý thông qua xử lý TSBĐ càng cao thì càng giảm nhu cầu đối với các nguồn lực tài chính khác dành để xử lý nợ xấu, kể cả nguồn lực tài chính của Nhà nước cũng như của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhìn theo góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng – Hiệp hội Ngân hàng đã nêu lên rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ của TCTD, trong đó chủ yếu chia làm 2 nhóm vướng mắc. Thứ nhất, vướng mắc về pháp lý và cơ chế bảo đảm thực thi quyền xử lý tài sản của các TCTD khi TCTD tự xử lý.

Thứ 2, vướng mắc liên quan đến việc xử lý TSBĐ thông qua con đường tố tụng: Quy trình tố tụng kéo dài, Tòa án từ chối thụ lý vụ án do bên bảo đảm vắng mặt khỏi nơi cư trú, cố tình bỏ trốn, cố tình giấu địa chỉ…

Từ những vướng mắc nêu trên, luật sư Phương kiến nghị Nghị định về giao dịch bảo đảm phải tiếp cận và xử lý một cách tối đa các vấn đề về xử lý TSBĐ theo lý thuyết về vật quyền bảo đảm. Theo đó, người có vật quyền bảo đảm có quyền tuyệt đối, trực tiếp và ngay tức khắc đối với tài sản bảo đảm khi vật quyền bảo đảm đó được công khai hóa (được đăng ký) theo quy định của pháp luật.

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án

Cũng chỉ ra những vướng mắc về mặt pháp lý, theo luật sư Trương Thanh Đức, việc xử lý TSBĐ vướng mắc khi xử lý TSBĐ thông qua thương lượng, hòa giải, cùng với đó là hạn chế của trọng tài thương mại trong việc tham gia giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, còn hàng loạt những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp bằng toà án; những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án dân sự…

Ông Đức nhận định, nợ xấu là do các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, không có khả năng trả nợ, mà hầu hết, ngân hàng là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm. Nếu để tình trạng nợ xấu kéo dài hoặc chỉ xử lý về hình thức, con số trên sổ sách thì môi trường kinh doanh sẽ còn tiếp tục khó khăn, bất ổn, lãi suất sẽ vẫn cao, hiệu quả sẽ rất kém, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Vì vậy, ông Đức kiến nghị: Thứ nhất, cần có văn bản quy định, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về cơ chế, thủ tục, không chỉ xét xử vắng mặt đương sự như lâu nay, mà chấp nhận cả việc hoàn toàn vắng mặt đương sự trong cả quá trình tiến hành tố tụng. Nhà nước cần tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu bằng chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, phí trước bạ, phí thi hành án, chi phí bố trí nơi ở cho người có nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời cần có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt, giúp xử lý TSBĐ và xử lý dứt điểm nợ xấu.

Luật sư Lê Hồng Hiển – GĐ Công ty Luật Nay và Mai đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tài chính và TANDTC trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử lý TSBĐ. Trong đó ngoài việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định bất hợp lý hiện nay về xử lý TSBĐ thì Nghị định này cần quy định chi tiết trình tự thủ tục xử lý TSBĐ. TANDTC cần nghiên cứu xem xét ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về việc thụ lý xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Ngoài ra, cần sửa đổi Luật thi hành án dân sự như sau: Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp phải được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm trước khi trừ các chi phí về thi hành án; việc kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp chỉ được thực hiện khi nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn, khoản tiền thu được từ việc bán TSBĐ phải ưu tiên thanh toán nghĩa vụ của bên bảo đảm…

Và cuối cùng là phải nâng cao hiệu quả thi hành án, trong đó cần tập trung tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có điều kiện thi hành của các TCTD…

Quyền của các TCTD đang bị thu hẹp

Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng Hương – Chuyên viên Vụ Pháp chế (NHNN) sau khi thống kê sự thay đổi về quyền xử lý TSBĐ của TCTD đã có sự thay đổi lớn qua các thời kỳ. “Quyền xử lý TSBĐ của TCTD đang dần bị thu hẹp; pháp luật của Việt Nam về quyền xử lý TSBĐ còn “ưu ái” con nợ, chưa trao quyền năng phù hợp cho TCTD trong việc xử lý TSBĐ; quyền xử lý TSBĐ của TCTD bị cản trở vì cách hiểu và áp dụng pháp luật chưa đúng của một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Hà An
.
.
.