Bài 3: Tạo sức sống hậu tuần văn hoá du lịch, lễ hội

Chủ Nhật, 16/10/2016, 09:24
Theo dự báo của các doanh nghiệp lữ hành, xu hướng trong tương lai, du khách sẽ ngày càng hướng đến những giá trị thiết thực hơn là du lịch khám phá và trải nghiệm. 

Lễ hội, tuần văn hoá, du lịch là một trong những sản phẩm không thể thiếu của mỗi địa phương khi quảng bá, giới thiệu về địa phương. Thế nhưng, không chỉ hạn chế trong việc duy trì sức hấp dẫn của điểm đến sau mỗi lễ hội, sự phối hợp giữa các cấp quản lý và doanh nghiệp du lịch còn lỏng lẻo, chưa có hệ thống, dẫn đến ngành du lịch Việt Nam mãi vẫn chưa thể tạo ra cú hích để bứt phá. Do vậy, để lễ hội trở thành điểm thu hút du khách thì cần có sự thay đổi về cách tổ chức.

Trong khi các tỉnh vẫn đang loay hoay với việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và tổ chức lễ hội, tuần văn hoá du lịch để thu hút du khách, thì tại Hà Giang đã biết cách hút khách du lịch bằng lễ hội mùa hoa Tam giác mạch. 

Vào thời điểm tháng 10 hàng năm, hoa tam giác mạch nở khắp núi đồi Hà Giang thành bức tranh tuyệt đẹp, khó ai có thể bỏ qua khi đến với vùng đất Đông Bắc. Khi thấy du khách nườm nượp đổ về đây, UBND tỉnh, Sở VHTT&DL cùng các huyện đã nắm bắt cơ hội xây dựng thành lễ hội hoa thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Giang. 

Theo thống kê, trong ngày lễ hội hoa Tam giác mạch 2015, Hà Giang đón hơn 2.000 lượt khách/ngày. Năm nay, để chuẩn bị cho lễ hội, Hà Giang đã chuẩn bị nhiều chương trình đặc sắc và cả lều bạt di động, cung cấp wifi miễn phí cho du khách. 

Khách du lịch làm đẹp với hoa Tam giác mạch.

Để kéo dài thời gian hoa Tam giác mạch, tỉnh Hà Giang đã triển khai cho người dân trồng hoa làm 3 đợt. Đợt 1 chủ yếu phục vụ khách phượt, ưa khám phá, đợt 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho lễ hội hoa tam giác mạch và đợt 3 trồng ít hơn phục vụ chủ yếu khách du lịch nói chung. Bởi, sau 45 ngày gieo trồng, cây mới đơm bông và mỗi mùa hoa chỉ kéo dài khoảng 20 ngày. 

Mùa hoa Tam giác mạch đã giúp Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách; người dân đã tiếp cận cách làm du lịch một cách bài bản hơn, xây dựng những điều quanh mình thành sản phẩm du lịch, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lữ hành cùng phối hợp tạo ra sản phẩm đặc sắc.

Trên cung đường Tây Bắc, mới đây, để có được những trải nghiệm thú vị, các doanh nghiệp lữ hành chuyên nghiệp đã thiết kế một số tour có sức sống tốt, hấp dẫn và được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. 

Ví dụ như trong tour khám phá Tú Lệ - Mù Cang Chải – Nghĩa Lộ 3 ngày, du khách có cơ hội được tham gia Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” với trải nghiệm bay cùng dù lượn ở độ cao hơn 1.000m ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín…

Ông Phạm Thế Triều - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL An Giang cho rằng lễ hội đặc trưng là điều cần thiết để xây dựng thành sản phẩm du lịch. Đón đầu xu hướng của du khách và tạo sức sống cho lễ hội cũng như việc biến lễ hội thành một sản phẩm du lịch thực tế là điều mà các nhà quản lý du lịch đang hướng tới. 

Hiện An Giang đang kêu gọi đầu tư xây dựng đường đua bò, tái hiện lễ hội đua bò Bảy Núi trở thành một sản phẩm du lịch, biểu diễn định kỳ hàng tuần phục vụ du khách. Việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới, sẽ giữ được bản sắc văn hoá lễ hội, sức sống của lễ hội truyền thống sẽ được lan rộng, theo đó du khách sẽ lưu trú lại và có nhiều trải nghiệm. Có như vậy, du lịch mới có cơ hội phát triển.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã triển khai nhiều lễ hội hay tuần lễ văn hóa du lịch để hút khách du lịch. Tuy nhiên, ông Lê Công Năng - Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho rằng, chính việc thiếu tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức các lễ hội, chưa chú trọng đến công tác quảng bá, các di tích lịch sử và điểm tham quan xuống cấp nghiêm trọng, các sản phẩm du lịch còn mang tính rập khuôn, thiếu các hoạt động trải nghiệm,… đã tạo nên những hạn chế trong việc duy trì sức hấp dẫn của điểm đến sau mỗi lễ hội, sự phối hợp giữa các cấp quản lý và doanh nghiệp du lịch còn lỏng lẻo, chưa có hệ thống, dẫn đến ngành du lịch Việt Nam mãi vẫn chưa thể tạo ra cú hích để bứt phá.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Hanoiredtour cho rằng, sự yếu và thiếu trong khâu phối hợp còn thể hiện ở việc chính quyền địa phương không liên hệ sớm với các doanh nghiệp lữ hành về hoạt động lễ hội trước vài tháng đến 1 năm để các đơn vị này có kế hoạch triển khai và thỏa thuận mức giá ưu đãi dành riêng khi đưa khách đoàn đến đây trong dịp sự kiện diễn ra, tránh tình trạng cháy phòng, dịch vụ vào mùa cao điểm khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp. 

Ngoài ra, các cấp quản lý cũng chưa tạo điều kiện để khách du lịch của các đơn vị lữ hành có cơ hội trực tiếp tham gia, trải nghiệm các hoạt động tại lễ hội, thay vì chỉ đến xem là chính. 

Ví dụ lễ hội Bái Đính (kéo dài từ đầu năm đến hết tháng 3) gồm các hoạt động chính như: thắp hương thờ Phật; rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn; lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận,… thu hút hàng nghìn lượt khách ghé thăm, song khách du lịch nước ngoài đến đây chỉ biết đứng im nhìn vì không hiểu về tập quán tín ngưỡng của người Việt, bất đồng ngôn ngữ nên các chương trình nghệ thuật như: hát chèo, xẩm, ca trù của đất cố đô cũng khó để thẩm thấu và một phần cũng bởi không có hoạt động trải nghiệm nào cả.

Theo dự báo của các doanh nghiệp lữ hành, xu hướng trong tương lai, du khách sẽ ngày càng hướng đến những giá trị thiết thực hơn là du lịch khám phá và trải nghiệm. Việc khai thác các lễ hội, tuần văn hóa du lịch, tham quan các di tích lịch sử để du khách hiểu hơn về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam có thể xem là hướng đi đúng đắn. 

Tuy nhiên, để khiến khách du lịch trong và ngoài nước sẵn sàng quay trở lại các điểm đến nhiều lần, các cơ quan quản lý cấp trung ương như Tổng cục Du lịch cần phối hợp với chính quyền địa phương tại các điểm du lịch để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, kiên quyết xử lý sai phạm tại các địa điểm lễ hội.

Từ góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Công Năng đề xuất các địa phương khi phối hợp với các đơn vị lữ hành cần cố gắng đưa các giá trị văn hóa phi vật thể vào sản phẩm du lịch để du khách có thể trực tiếp trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động cùng người dân địa phương hoặc đầu tư các dịch vụ giải trí về khuya, trung tâm mua sắm, thương mại để du khách được tận hưởng vui chơi, giải trí trong thời gian lưu trú. 

Khi họ được sống và hòa mình trong không gian văn hóa bản địa, cảm nhận qua nhiều giác quan thì sẽ có ấn tượng sâu sắc và khó quên hơn.

Lưu Hiệp
.
.
.