Ngăn chặn “vòi bạch tuộc tín dụng đen” mùa giáp Tết

Thứ Tư, 13/12/2023, 09:39

Tỉnh Bình Dương có hơn 1,2 triệu người từ các tỉnh, thành khác đến làm việc, sinh sống. Đa phần trong số họ làm công nhân, lao động tự do, buôn bán nhỏ… để mưu sinh. Thu nhập thấp, đời sống bấp bênh nên khi cần tiền đột xuất để chữa bệnh, đóng tiền học cho con… họ nghĩ ngay đến việc vay “nóng”.

Tờ rơi dán đầy ở cột điện, trên mạng nhan nhản thông tin “cho vay không cần thế chấp, có tiền ngay”, thế là họ nhanh chóng lọt vào thòng lọng. Công an Bình Dương đã mở đợt cao điểm tấn công tội phạm “tín dụng đen” và đề ra nhiều giải pháp ngăn ngừa những chiếc vòi bạch tuộc…  

cho vay.jpg -0
Cán bộ Công an lấy lời khai đối tượng Trần Đức Hữu.

Nghe đám bạn giang hồ rỉ tai Bình Dương dễ kiếm tiền từ “nghề” cho vay lãi nặng, giữa năm 2023, Vũ Văn Kiên (SN 1989), Đỗ Anh Tú (SN 1989), Vũ Văn Lập (SN 1989) và Nguyễn Văn Tuyền (SN 1986) từ Hà Nội vay mượn được ít vốn rồi vào Nam. Sau khi điều nghiên địa bàn, nhóm đối tượng quyết định thuê nhà ở chung cư Iris Tower (TP Thuận An) để tiện cho việc cho vay liên tỉnh.

Cả 4 đối tượng không thuê người mà tự chia nhau mỗi người một hướng đi dán, phát tờ rơi cho vay ở địa bàn TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Khi khách hàng liên hệ, các đối tượng liên lạc trực tiếp qua điện thoại, yêu cầu cung cấp giấy tờ tuỳ thân cá nhân (căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế…), địa chỉ nơi làm việc, nơi ở… Sau khi xác định người vay có khả năng thanh toán nợ, nhóm Kiên mới cung cấp khoản vay, đồng thời giữ lại giấy tờ tuỳ thân của người vay đến khi thanh toán xong khoản vay. Trong trường hợp người vay không thực hiện việc trả tiền, các đối tượng sẽ liên lạc, đe dọa, tạo áp lực để người vay phải trả đúng hạn.

Công an TP Thuận An đã tổ chức theo dõi và bắt giữ nhóm này vào ngày 9/12. Theo điều tra ban đầu, nhóm Kiên cho vay góp với lãi suất từ 20-25%/ tháng, mức cho vay từ 5-20 triệu đồng. Đến lúc bị bắt, nhóm Kiên khai đã thu lợi bất chính hơn 153 triệu đồng chỉ từ 26 trường hợp vay tiền. Trong khi đó, cơ quan Công an thu giữ tại nơi ở của nhóm này hơn 250 giấy tờ các loại và sổ sách lưu giữ, theo dõi việc cho vay.

Tháng 2/2023, Nguyễn Hoàng Anh (SN 1986), Trần Văn Phúc (SN 1998) và Lưu Quốc Phong (SN 1990) từ Hải Phòng vào phường An Phú, TP Thuận An (Bình Dương) và bắt tay ngay vào việc in phát tờ rơi cho vay. Vay trả góp theo ngày sẽ cho vay từ 2-10 triệu đồng, mỗi ngày góp từ 200-500 ngàn đồng trong 25 ngày, tính ra lãi suất là 432%/năm. Còn “vay đứng”, vay 10 triệu đồng thì mỗi ngày đóng 200.000 đồng tiền lãi, thu trước 5 ngày, thu phí dịch vụ 500.000 đồng. Người vay nhận được số tiền thực tế là 8,5 triệu đồng nhưng phải đóng lãi 6 triệu đồng/tháng, tức lãi vay trên 70%/tháng. Sau gần 4 tháng hành nghề, các đối tượng này đã bỏ túi 280 triệu đồng tiền lãi… chỉ từ số vốn ban đầu là 300 triệu đồng.

Trong tháng 11/2023, Công an nhiều đơn vị ở Bình Dương còn khám phá nhiều băng nhóm cho vay lãi nặng khác như nhóm đối tượng Trần Duy Tân (SN 1984), Lê Thành Nhân (SN 1999) và Trần Thu Vân (SN 1982) cùng ngụ TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho vay lãi suất từ 1-1,5%/ngày trên địa bàn TP Thủ Dầu Một. Đến lúc bị bắt, nhóm này khai đã thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng. Nguyễn Thị Thắm (SN 1989, ngụ Bình Dương) và Trần Đức Hữu (SN 1986, quê Hải Phòng), chủ một quán nhậu trên địa bàn TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho vay góp và vay đứng với mức lãi suất từ 300% đến 480%/năm.

Lê Văn Quyết (SN 1999, quê Gia Lai) cho chị H. vay 50 triệu đồng với lãi suất 200%/năm và yêu cầu chị T. phải quay lại video clip khỏa thân và đưa CMND cho Quyết giữ. Đến khi bị hại không còn khả năng chi trả tiền gốc và lãi thì Quyết sử dụng đoạn video clip trên để đe dọa buộc bị hại trả tiền. Khoảng 10h ngày 7/11, tại một quán cà phê ở phường Vĩnh Tân (TP Tân Uyên), khi Quyết nhận tiền của chị H. đã bị Công an TP Tân Uyên ập đến bắt quả tang cùng tang vật.

Theo Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có hơn 110 đối tượng có dấu hiệu hoạt động CVLN, theo 3 phương thức là truyền thống (phát, dán tờ rơi và trực tiếp đứng ra cho vay), truyền thống kết hợp công nghệ (các đối tượng cầm đầu chỉ đạo từ xa, áp dụng phần mềm quản lý thu hồi công nợ) và công nghệ hoàn toàn (sử dụng các website, ứng dụng điện thoại để công khai quảng cáo và đòi nợ bằng cách khủng bố qua điện thoại, mạng xã hội).

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, bên cạnh công tác tấn công trấn áp, Công an tỉnh Bình Dương sẽ đẩy mạnh kiểm tra hành chính các cơ sở có khả năng biến tướng cho vay lãi nặng (tiệm cầm đồ, cho thuê xe…) để ngăn chặn từ khi mới manh nha. Đồng thời tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa xã hội, tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng, chống hoạt động “tín dụng đen” trong cộng đồng.

Đặc biệt, lãnh đạo Công an tỉnh cũng đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ, Công an các đơn vị chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu, thực tiễn công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng.

Phương Tuyền
.
.
.