Hoạt động “tín dụng đen” núp bóng tiệm cầm đồ?

Thứ Ba, 16/11/2021, 17:38

Theo cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập không ít cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương, vừa cho vay cầm cố tài sản, vừa cho vay online nhưng thu thêm nhiều khoản phí, lách luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

camdo.jpg -0
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” ở Nghệ An bị bắt giữ.

Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đang chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội, lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook). Các ứng dụng này đã len lỏi, tiếp cận, mời chào những người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật).

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập không ít cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Bởi chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ, các đối tượng đã có thể lập ra một app cho vay trực tuyến. Và sự hoạt động của các app trên không gian mạng đang thực sự khó kiểm soát…

Thực tế cũng cho thấy, ở một số địa bàn, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện hoạt động “tín dụng đen” ở các hiệu cầm đồ có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ cao. Ngày 12/7/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh (Nghệ An) đã tạm giữ hình sự 4 nhóm đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Nhóm thứ nhất do Nguyễn Thái Học (SN 1970), trú tại 45, An Dương Vương, TP Vinh cầm đầu; Nhóm thứ hai do Bùi Văn Kiên (SN 1989), trú tại Mai Lộc, Hưng Lộc, TP Vinh cầm đầu; Nhóm thứ ba của Công ty TNHH Đức Trí do Vũ Khắc Thành (SN 1991), trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh cầm đầu và nhóm thứ tư của Công ty TNHH Nhất Tín do Phan Trọng Hưng (SN 1978), trú tại Phường Trung Đô, TP Vinh; Lê Hồng Trung (SN 1987), trú tại Trương Hán Siêu, TP Vinh; Vũ Thành Công (SN 1995), trú tại 175 Phạm Hồng Thái, TP Vinh và Nguyễn Thế Đức (SN 1988), trú tại Cát Văn, huyện Thanh Chương cầm đầu.

Các nhóm này có hàng chục cơ sở, chi nhánh ở nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh, thành phố. Theo số liệu của cơ quan Công an, từ năm 2018 đến nay đã có hàng nghìn người vay tiền của các nhóm đối tượng trên với lãi suất từ 3.000 đến 8.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Trong trường hợp người vay không trả được đúng yêu cầu hoặc thanh toán không đúng hẹn, các đối tượng này liên tục đe dọa, uy hiếp tung ảnh lên mạng.

Lãnh đạo Công an TP Vinh cho biết, các nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án. Các nhóm này luôn núp bóng dưới vỏ bọc doanh nghiệp cầm đồ, cho vay tài chính với thủ đoạn rất tinh vi và sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cũng đã phối hợp với Công an huyện Thanh Hà đồng loạt tiến hành kiểm tra 7 cơ sở cầm đồ trên địa bàn huyện. Quá trình kiểm tra cũng đã làm rõ các đối tượng đã cho 3.783 lượt vay tiền với tổng số tiền lên tới gần 60 tỷ đồng, tiền lãi thu về là 24 tỷ đồng. Đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận mở hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất từ 3.000 đến 5000 đồng/1 triệu đồng/ 1 ngày. Khi các con nợ không trả được thì đe dọa, uy hiếp, thậm chí đánh đập con nợ…

Hiện nay, cơ quan Nhà nước đang có dự thảo quản lý, giám sát hoạt động của các app, tiệm cầm đồ (cho vay nặng lãi biến tướng), ví điện tử có tính chất cho vay. Song, bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương vẫn cần tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt hoạt động của các cơ sở cầm đồ, cho vay tín dụng. Nếu phát hiện có hiểu hiện hoạt động biến tướng của “tín dụng đen”, sẽ kiên quyết đấu tranh triệt xóa.

Quang Châu
.
.
.