Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc

Thứ Tư, 20/09/2023, 12:29

Dự thảo Luật Thủ đô quy định về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Sáng 20/9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Đề xuất bổ sung cấp chính quyền “thành phố thuộc thành phố” trong Luật Thủ đô

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo quy định tăng cường năng lực của HĐND Thành phố trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14; theo đó tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

lethanhlong.jpg -0
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Luật Thủ đô.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố thuộc Thành phố Hà Nội (dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai). “Thành phố thuộc thành phố” này có những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, dự thảo luật quy định một số nội dung đặc thù. Cụ thể như phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong quản lý, thực hiện quy hoạch. Việc phân quyền này cũng đang được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để huy động nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử, dự thảo luật cho phép UBND thành phố Hà Nội thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử.

Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như dự thảo luật trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Thường trực Uỷ ban Pháp luật thấy rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND thành phố Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND Thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị. Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc đề xuất trong Dự Luật các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Hà Nội.

hoangthanhtung.jpg -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng về các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, trong quá trình thẩm tra, có ý kiến trong cho rằng, việc quy định HĐND Thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn thành phố; quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật…

Dứt khoát không luật hoá, hợp thức hoá chung cư mini

Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, luật chỉ có 7 chương với 59 điều nhưng rất khó và đặc biệt quan trọng với phát triển Thủ đô Hà Nội, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hoá đầy đủ, cụ thể các chủ trương để Thủ đô Hà Nội phát triển như mục tiêu đề ra trong nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.

20.9_vuong_dinh_hue.jpg -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc xây dựng luật phải toàn diện chứ không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, cùng với đó phải có trọng tâm, trọng điểm chứ không rải mành mành. “Nội dung nào phân cấp cho cấp thành phố cần thể hiện rõ, ngoài ra nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dẫn chứng về TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội nói, TP Hồ Chí Minh sau khi có nghị quyết đã triển khai rất nhanh, thẩm quyền rất lớn, HĐND quyết định chứ không chờ hướng dẫn, hỏi nơi này nơi kìa. Tránh luật ra không làm được lại phải đi xin, đi chạy khắp nơi. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Hà Nội cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cao hơn so với thành phố khác. “Đề nghị rà soát, dứt khoát không luật hoá, hợp thức hoá chung cư mini trong luật này. Vụ cháy vừa rồi rất đau xót, nghiên trọng”. Nói về giao thông, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, cần sớm có lộ trình chuyển đổi xe cũ lấy xe mới, lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân cùng với phát triển giao thông công cộng. 

Phát biểu tại phiên họp, cũng đề cập quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là với quy hoạch, xây dựng, Bí Thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng “qua vụ cháy chung cư mini vừa rồi mới thấy vô cùng bất cập”. Toà nhà được cấp phép 6 tầng nhưng xây tới 9 tầng là vi phạm, với vị trí như thế thì cho phép 6 tầng cũng là chưa phù hợp. Do dó, luật thiết kế cho phép Hà Nội quyết định thì mới đảm bảo an toàn và phát triển lâu dài.

Cũng quan tâm vấn đề xây dựng, phát triển, quản lý, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thực tế phát triển thủ đô thời gian qua, nhất là sau khi sự kiện đau lòng cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành 2012, tức cách đây 10 năm, thậm chí trước đó đã có Pháp lệnh Thủ đô năm 2000. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm. Vấn đề di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, giáo dục, sự nghiệp công lập, trụ sở cơ quan bộ ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan Trung ương và thành phố đã đặt ra từ rất lâu, tuy nhiên công tác triển khai rất chậm chạp.

Cần quy định đặc thù về quốc phòng, an ninh

Quan tâm đến biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết, quy định về không gian ngầm gắn phòng thủ dân sự, bảo vệ Thủ đô, với quốc phòng an ninh trước mắt và lâu dài rất quan trọng. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định không gian ngầm gắn với xây dựng quản lý và ứng dụng.

quangcanh.jpg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

“Thủ đô cần có các chính sách đặc thù hơn các địa phương khác, vì đảm bảo tuyệt đối an toàn để phát triển, tôi ủng hộ, tuy nhiên, đọc thì thấy đặc thù về quốc phòng, an ninh, đặc biệt về an ninh, trật tự chưa vượt trội hơn . Ví dụ việc tập trung đông người để khiếu kiện, Công an giải quyết rất khó khăn, vậy chính sách đặc thù là gì” – Trung tướng Lê Tấn Tới đặt quan điểm và đặt vấn đề cần quy định xe vào Thủ đô gồm xe gì, giờ nào, đặc biệt là liên quan đến tập trung đông người để khiếu kiện.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, hiện nay, xử lý việc tập trung đông người khiếu kiện rất khó khăn. Đối với những người không có nơi cư trú nhất định thì Công an địa phương lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng những người thuê nhà trọ ở Hà Nội để khiếu kiện đông người, gây rối TTCC cũng vẫn phải đưa về địa phương để lập hồ sơ. “Vậy, Luật Thủ đô điều chỉnh vấn đề này như thế nào” – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu câu hỏi.

Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cắt điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính, Trung tướng Lê Tấn Tới cho rằng, khi thảo luận Luật xử phạt vi phạm hành chính đã bàn nội dung này và Quốc hội quyết định không quy định nội dung trên vì liên quan đến quyền công dân. “Tuy nhiên, Luật Thủ đô lại đưa nội dung này, tôi đề nghị cần nghiên cứu thêm” – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu quan điểm.

Về nội dung tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, cần làm rõ nội dung này đối với lực lượng vũ trang của Thủ đô gồm CBCS Công an TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô, quy định rõ lực lượng vũ trang được tăng thêm thu nhập hay không.

Phương Thuỷ
.
.
.