Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Thứ Năm, 03/03/2022, 14:52

Để phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội tại Kỳ họp tới, sáng 3/3, tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham gia ý kiến dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Dự tọa đàm có Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì tọa đàm.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động -1
Toàn cảnh tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021. Tại kỳ họp, đã có 299 đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc họp tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về cơ bản sau khi chỉnh lý, các quy định trong dự thảo luật đã đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, đánh giá cao.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu, làm rõ và tiếp tục chỉnh lý một số nội dung của dự thảo luật. Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy và tổ chức hoạt động thực tiễn trong lực lượng vũ trang nhân dân và lĩnh vực lập pháp đã qua tập trung đóng góp ý kiến về: Giải thích từ ngữ trong dự thảo để làm rõ nội hàm các khái niệm như “biện pháp vũ trang”, “sử dụng biện pháp vũ trang”.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động -0
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì tọa đàm.

Bên cạnh việc thống nhất về sự cần thiết của Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu cũng cho ý kiến về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động, trong đó dự thảo luật quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc CAND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động, các đại biểu cơ bản nhất trí các trường hợp được sử dụng biện pháp vũ trang của lực lượng CSCĐ như trong dự thảo. Tuy nhiên, cần bổ sung một số trường hợp khác mà lực lượng Cảnh sát cơ động được sử dụng biện pháp vũ trang như: trấn áp các hoạt động gây rối, bạo loạn của bọn cầm đầu quá khích; trấn áp bọn chủ mưu, cầm đầu các vụ bạo loạn có vũ trang; trấn áp đối tượng có hành vi chống đối lại lực lượng đang thi hành công vụ bằng vũ lực hoặc có vũ trang; trấn áp các hoạt động vũ trang của địch và tội phạm nguy hiểm…

Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động -0
Đại diện Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động -1
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Một số nội dung khác của dự thảo luật như: điều động Cảnh sát cơ động; huy động người, phương tiện, thiết bị; vào trụ sở, nơi ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động... cũng được các đại biểu tích cực phân tích, đóng góp ý kiến xác đáng để các quy định bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất hệ thống pháp luật cũng như các luật có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định, góp phần xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động -0
Đại diện Quân chủng Phòng không-Không quân phát biểu ý kiến tại tọa đàm.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động -1
Đại diện Học viện Chính trị CAND phát biểu tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, thay mặt Ban soạn thảo dự án luật, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã tiếp thu và làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để giải đáp một số thắc mắc đại biểu.  

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị của các đại biểu để Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Ban soạn thảo dự án Luật Cảnh sát cơ động tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động -0
Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến, giải đáp thắc mắc của các đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, phải thống nhất đây là luật để tổ chức một lực lượng chuyên ngành cụ thể với phạm vi cụ thể. Do vậy, phải có giới hạn và không sa vào những vấn đề lớn mà các luật “gốc” đã quy định; chỉ cụ thể hóa hiến pháp, pháp luật và những văn bản luật “gốc” đã quy định.

Tiếp tục quán triệt, vận dụng nhuần nhuyễn, cụ thể hóa quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng về chiến tranh cách mạng, bạo lực vũ trang, sức mạnh tổng hợp, giai cấp và đấu tranh giai cấp, vai trò của sức mạnh trí tuệ tinh thần và vũ khí trang bị… với tư duy biện chứng, phương pháp biện chứng.

Quá trình xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động phải đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật; cái gì đã rõ, đã “chín” và cụ thể được thì thực hiện cụ thể ngay trong luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Cảnh sát cơ động có ảnh hưởng lớn đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người bởi những biện pháp vũ trang. Do vậy, tất cả những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn phải được tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ.

Xung quanh nội dung quy định của các Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 (nhóm về nhiệm vụ quyền hạn), Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải tiến hành rà soát lại, làm rõ hơn trên tinh thần càng làm rõ, dễ hiểu thì khi thực hiện càng hiệu quả…

Sau tọa đàm, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức hội nghị tổng hợp nội dung, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, giải trình; tiếp thu tối đa ý kiến tối đa của các đại biểu để chỉnh lý dự thảo luật, gửi xin ý kiến Hội đồng dân tộc, các ủy ban, các đoàn đại biểu Quốc hội, sự thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và có báo cáo giải trình, trình Quốc hội thảo luận, thông qua.

Vũ Linh
.
.
.