TP Hồ Chí Minh luôn khắc ghi hình ảnh các chiến sĩ áo trắng

Thứ Bảy, 30/10/2021, 07:56

Ngày 29/10, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác của TP đã đến Bộ Y tế làm việc, gặp mặt tri ân các lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Cuộc chiến khốc liệt với đại dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh kéo dài gần 5 tháng qua đã để lại bao đau thương, mất mát. Trong cuộc chiến đó, TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự chi viện lớn nhất từ trước đến nay về nhân lực y tế.

TP Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoan dịch khốc liệt nhất của dịch COVID-19 khi có ngày lên tới hơn 6 nghìn ca mắc mới, hơn 300 người tử vong. Giờ đây, số ca mắc của TP đã giảm xuống 3 con số, số ca tử vong giảm thấp, có ngày chỉ còn 25 ca, TP đang tiến tới bình thường mới. Để có thành quả này, ngoài những nỗ lực của chính quyền và nhân dân TP, còn có sự giúp sức, chi viện, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh của 23 nghìn cán bộ, y bác sĩ trên khắp cả nước.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức cho biết: "Khi nhận lệnh của Bộ trưởng Bộ Y tế vào thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh, lúc đầu chúng tôi chưa hình dung ra được thiết lập thế nào, vận hành ra sao nhưng TP đã chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để việc thiết lập được nhanh chóng... Ban đầu tôi dự kiến "anh em Việt Đức" phải ở lại 4-6 tháng, nhưng chỉ 2,5 tháng chúng tôi đã rút quân. Để khống chế dịch bệnh tại một TP hơn 10 triệu dân không dễ, nhưng TP đã làm được điều đó. Thành quả này có rất nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi cho rằng trong đó sự vào cuộc đồng bộ, chỉ huy quyết liệt của TP là rất quan trọng".

TP Hồ Chí Minh luôn khắc ghi hình ảnh các chiến sĩ áo trắng -0
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế.

Chỉ trong 1 tuần, từ khảo sát, vận chuyển cả tấn trang thiết bị y tế, điều động nhân lực vào TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt Đức tại Bệnh viện dã chiến số 13 đã được vận hành.

Không thể kể hết những gian khổ, khó khăn, vất vả trong suốt 2,5 tháng vận lộn, chiến đấu với sinh - tử của hơn 600 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt - Đức và gần 200 nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cùng nhau duy trì, vận hành hoạt động Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19. Theo GS.TS Trần Bình Giang, qua cuộc chiến lần này, các y, bác sĩ của Bệnh viện đã có nhiều bài học. Đó là những kinh nghiệm đúc rút được trong điều trị bệnh truyền nhiễm vì trước nay lực lượng y tế của các bệnh viện tại trung tâm này chưa hề tiếp cận.

Còn TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, bản thân ông chưa bao giờ tham gia chiến dịch đặc biệt như vậy. Ông may mắn có thời gian công tác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và cũng trải qua nhiều đợt chống dịch như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, đợt dịch COVID-19 thứ nhất và hai, nhưng ở đợt dịch lần này rất đặc biệt. Theo ông, ở đó có những bài học mà mãi mãi không bao giờ quên được. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc thiết lập, vận hành Trung tâm hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh cực kỳ quan trọng. Bộ Y tế và các đơn vị chỉ có con người, trang thiết bị, máy móc nhưng nếu không có TP chia sẻ, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, về hậu cần... thì Bộ Y tế khó có thể thần tốc thiết lập, vận hành được các trung tâm hồi sức tích cực.

Đánh giá cao vai trò của Bộ Y tế trong việc đưa ra các biện pháp, quyết định linh hoạt, kịp thời về mặt công tác điều trị, truy vết, tiêm chủng… để cùng thành phố triển khai chống dịch, ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ: "Trong cuộc chiến vừa qua, chúng ta đã có những yếu tố thích ứng vì có rất nhiều diễn biến, nhiều quyết định không có trong kịch bản. Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ, phần nào là nguyên tắc, các đồng chí rất kiên định giữ, và căn cứ vào tình hình thực tiễn, các đồng chí cũng có sự chuyển hướng phù hợp, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm".

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là cuộc chiến khốc liệt, nghiệt ngã, vượt lên trên cả cuộc chiến thông thường, với sự hy sinh cao cả nên sự ghi nhận cũng cần vượt lên trên quyết định bình thường. Tất cả các đồng chí ra trận chịu đựng biết bao khó khăn thử thách chưa từng có, không có ngôn từ nào để tả.

Ông cũng xúc động cho biết, trong cuộc chiến chống dịch với biến chủng Delta lần này, TP Hồ Chí Minh rơi vào tâm dịch, để có giây phút tương đối bình yên như hiện nay, TP vô cùng biết ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương, đồng bào cả nước, kiều bào… chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thành phố cả vật chất và tinh thần. Ông bày tỏ  lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới gần 25 nghìn chiến sĩ áo trắng đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, tấm lòng và sự hy sinh.

"Người dân TP Hồ Chí Minh sẽ luôn khắc ghi những hình ảnh tốt đẹp về các chiến sỹ áo trắng đã chung vai, sát cánh trong cuộc chiến cam go, khốc liệt chống dịch COVID-19 vừa qua. Lịch sử sẽ ghi lại những hy sinh vất vả của các chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống dịch chưa có trong tiền lệ này", ông Nên nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cuối năm 2021, Bộ Y tế sẽ tổng kết các bài học thành công trong chống dịch, trong đó có các bài học về lãnh đạo chỉ đạo, bài học trong huy động sức dân, huy động lực lượng, triển khai chuyên môn. Bài học chống dịch tại TP Hồ Chí Minh không chỉ cho riêng TP, mà còn là bài học cho ngành Y tế ứng phó với đại dịch.

Trần Hằng
.
.
.