Tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với văn học nghệ thuật nước nhà

Thứ Hai, 19/12/2022, 15:07

Các ý kiến, tham luận cho thấy tâm huyết, trách nhiệm, và cả sự băn khoăn, lo lắng của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với thực trạng và tương lai của nền văn học nghệ thuật (VHNT) nước nhà. Đó là những tiếng nói cần phải được lắng nghe, chia sẻ, nghiên cứu thấu đáo và tiếp thu nghiêm túc.

Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới” do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nam.

Ngay sau chương trình khai mạc, tại hội thảo đã có nhiều tham luận bày tỏ vui mừng vì sau 15 năm triển khai, Nghị quyết 23- NQ/TW đã góp phần chỉ rõ những vấn đề bất cập cũng như đề xuất giải pháp thiết thực cho phát triển VHNT.

Cần nghiên cứu thấu đáo các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về văn học nghệ thuật nước nhà -0
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, sau 15 năm triển khai, Nghị quyết 23- NQ/TW đã có những tác động tích cực đến đời sống VHNT, nâng cao chất lượng sáng tác, công tác lý luận, phê bình và xây dựng nguồn lực cả về nhân lực và cơ sở vật chất, đưa VHNT lên tầm cao mới.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Nghị quyết 23- NQ/TW đã làm thay đổi nhận thức quan trọng của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển VHNT còn có những hạn chế. Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với kinh tế, xã hội. Chất lượng các tác phẩm VHNT chưa tương xứng với số lượng. Tác phẩm xuất bản nhiều nhưng thiếu tác phẩm hay để trao giải, tạo ấn tượng, sức ảnh hưởng lớn đến xã hội ít. Thiếu những tác phẩm văn hóa, VHNT lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người…

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng kiến nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các chính sách, chế độ ổn định, tạo điều kiện để VHNT phát triển theo chiều sâu, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tránh tình trạng xin – cho kéo dài. Quốc hội ban hành Luật phát triển VHNT. Chính phủ ban hành, thành lập Quỹ sáng tạo VHNT…

Cần nghiên cứu thấu đáo các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về văn học nghệ thuật nước nhà -0
Các đại biểu tham gia hội thảo với nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết về VHNT.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, hiện nay phong trào văn thơ quần chúng rất phát triển. Đây là sẽ là điều đáng mừng nếu các sáng tác chuyên nghiệp không đứng chung với các sáng tác mang tính chất phong trào. Nhiều nhà phê bình viết phê bình các tác phẩm chất lượng không cao, biểu dương là chính vì được tác giả thuê viết. Hiện tượng này nhỏ nhưng làm méo mó nền lý luận, phê bình VHNT. Vì vậy, trong thời gian tới cần có giải pháp để phát triển các hoạt động VHNT mang tính phong trào nhưng không lẫn vào VHNT chuyên nghiệp, tránh tình trạng loạn chuẩn, nâng cao chất lượng giá trị các giải thưởng VHNT….

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương cho rằng, văn hóa, VHNT có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được giải quyết mặc dù được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa. Nguyên nhân chủ quan đều bắt nguồn từ những yếu kém, bất cập của công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ, nhất là yếu kém bất cập trong việc gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ để tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó có giải pháp rất quan trọng là tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa…

Nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra rằng, so với đòi hỏi của thực tiễn, việc thể chế hóa các nội dung Nghị quyết bằng pháp luật, cơ chế, chính sách còn chậm, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, chậm đi vào cuộc sống. Chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ còn thấp; chưa chú trọng đúng mức công tác đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về VHNT. Việc huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động VHNT của nhiều địa phương gặp khó khăn lớn. Công tác tổ chức và hoạt động thực tiễn của các hội VHNT tuy có đổi mới, nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…

Cần nghiên cứu thấu đáo các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về văn học nghệ thuật nước nhà -0
Toàn cảnh hội thảo tại Hà Nam ngày 19/12.

Lắng nghe các ý kiến, tham luận của các đại biểu và thay mặt Ban Bí thư phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao chủ đề hội thảo và cho biết, những ý kiến tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, tham mưu cho Đảng tiếp tục có những quyết sách kịp thời và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của VHNT nước nhà trong thời kỳ mới.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Nghị quyết 23-NQ/TW ra đời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển nền VHNT nước nhà và nguyện vọng của đông đảo đội ngũ những người sáng tạo VHNT. Trong 15 năm qua, với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết, tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực VHNT đã đạt được những kết quả tích cực.  Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 23, nền VHNT Việt Nam đến nay đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Các ý kiến, tham luận tại hội thảo cho thấy rõ tâm huyết, trách nhiệm, và cả sự băn khoăn, lo lắng của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với thực trạng và tương lai của nền VHNT nước nhà. Đó là những tiếng nói cần phải được lắng nghe, chia sẻ, nghiên cứu thấu đáo và tiếp thu nghiêm túc.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, những hạn chế, thiếu sót được các đại biểu chỉ ra tại hội thảo bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là quyết định. Những hạn chế, bất cập đó đã tạo ra những “điểm nghẽn”, “lực cản” cho sự phát triển của VHNT nước nhà

Đồng chí chỉ rõ: Bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực và điều kiện thúc đẩy sự phát triển của VHNT. Cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc tổ chức tổng kết Nghị quyết 23, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của VHNT với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Hoa Nguyễn
.
.
.